Theo Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 22/11, Chính phủ đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng.
Việt Nam sẽ đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, duy trì cơ cấu tuổi hợp lý. Cụ thể, tỷ lệ trẻ dưới 15 tuổi đạt 22%; tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt 11%; tỷ lệ phụ thuộc chung đạt 49% dân số cả nước.
Chính phủ kỳ vọng, năm 2030 tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Chiều cao nam giới đạt 1,685 m; nữ đạt 1,575 m (năm 2016, chiều cao trung bình của nam là 164,4 cm và nữ 153,4 cm); chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ sẽ tăng đầu tư ngân sách và huy động các nguồn vốn khác cho công tác dân số. Thị trường bảo hiểm sẽ được tạo điều kiện phát triển với nhiều gói, phù hợp với các nhóm dân cư, đảm bảo mọi người được hưởng dịch vụ phúc lợi, an sinh xã hội. Việt Nam sẽ nghiên cứu thành lập quỹ dưỡng lão từ đóng góp của người dân, để người già sẽ được chăm sóc.
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số Việt Nam đến tháng 4/2019 là 96,2 triệu; trong đó nam 47,88 triệu; nữ 48,32 triệu, đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.
Chỉ số giới tính trung bình cả nước là 99,1 nam/100 nữ; khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ; khu vực nông thôn là 100,5 nam/100 nữ.
Mật độ dân số Việt Nam là 290 người/km2, xếp hạng cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước là Hà Nội (2.398 người/km2) và TP HCM (4.363 người/km2).