Dân phập phồng lo biển… 'nuốt' làng ở Thanh Hoá

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Người dân thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa hoang mang trước tình trạng biển tấn công làng dữ dằn mấy tháng gần đây.

Biển xâm thực vào sát nhà dân.
Biển xâm thực vào sát nhà dân.

Dân lo biển “nuốt” làng

Nhìn từng con sóng đang đánh dồn dập vào bờ cát, tiến sát vào căn nhà cấp bốn cũ kỹ, bà Bùi Thị Hương (thôn Tân Xuân) không khỏi lo lắng.

Theo bà Hương, trước đây sóng biển có đánh mạnh đến mấy bà cũng chẳng để ý hay bận tâm nhiều, thế nhưng gần một năm nay, tình trạng xâm thực diễn ra nhanh chóng, nhiều gia đình đã ngấp nghé mép nước.

Chưa bao giờ, người dân ở đây lại ăn không ngon, ngủ không yên vì sợ mất đất, mất nhà như bây giờ.

Bà Hương vẫn chưa hết ám ảnh đợt lũ năm ngoái, nước biển dâng lên cao, có lúc ập vào tận bậc tam cấp của nhà. Giờ cứ hễ nghe dự báo thời tiết có bão hay áp thấp nhiệt đới là cả gia đình lại lo nơm nớp.

“Tốc độ xâm thực của biển nhanh lắm, cách đây vài tháng, con nước còn ở tít ngoài xa, thì nay đã ăn sâu vào đất liền, cuốn trôi hàng chục ha đất của người dân ra biển, cứ tình trạng này chẳng mấy chốc mà mất cả nhà”, bà Nguyễn Thị Lợi, người trong thôn, lo lắng.

Ông Phạm Bá Hiệp, cùng thôn Tân Xuân, cho biết, người dân rất hoang mang trước tình trạng biển tấn công làng dữ dằn như mấy tháng gần đây, có tuần sóng ăn sâu vào 20 - 30m.

Gia đình ông Hiệp trước đây nhận thầu 5ha diện tích mặt nước nuôi tôm thương phẩm, thế nhưng do biển xâm thực nên giờ không còn mét vuông nào.

Ngư dân này ngậm ngùi khi chỉ ngay vị trí ông đứng trước đây là vựa nuôi tôm công nghiệp của dân, những bức tường xây bằng gạch vồ kiên cố, tất cả giờ đã bị sóng biển cuốn đi hết hay những dãy rừng đước, sú, vẹt bị sóng quật trơ gốc rễ, hàng chục nghìn cây đã chết khô.

Bà Bùi Thị Hương lo lắng khi biển ngày càng tiến sát vào nhà dân.

Bà Bùi Thị Hương lo lắng khi biển ngày càng tiến sát vào nhà dân.

Không còn nơi nuôi tôm, hàng ngày ông Hiệp cùng vợ mưu sinh bằng cách vác cuốc, thuổng ra mép biển đào don, đào phi vì cũng không có nghề phụ gì khác.

Người dân ở đây cũng cho biết, trước kia mực nước khi dâng cao kỷ lục cũng còn cách làng Tân Xuân 40 - 50m ở vị trí gần biển nhất, nhưng hiện nay đã tiến sát nhà dân. Một số ngôi nhà đang bị sóng đánh đến hiên hoặc mép sân.

Bờ biển ở thôn Tân Xuân lúc này được “may vá” chằng chịt bằng hàng trăm chiếc cọc tre, bao tải cát để ngăn biển xâm thực.

Thế nhưng, mọi thứ dường như không thấm vào đâu trước những con sóng cuồn cuộn liên tục xô bờ.

Dãy rừng phòng hộ hàng chục nghìn cây phi lao, sú, vẹt chạy dọc Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Hới dần biến mất. Trên bờ biển ngổn ngang gốc cây, thân gỗ bị sóng đánh dạt vào bờ.

Trước thực trạng trên, UBND xã Hoằng Phụ đánh giá tình trạng biển xâm thực ở thôn Tân Xuân là “rất nghiêm trọng”.

Đoạn bờ biển bị sạt lở hơn 1,5km, ăn sâu vào đất liền từ 15 đến 250m. Diện tích bị thiệt hại do biển xâm thực đã trên 20ha gồm đất lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó, đất ở của người dân và Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Hới đã bị mất khoảng 1.000m2.

Tình trạng bờ biển ở đây bị xâm thực mạnh vào khoảng tháng 6/2022, đe dọa đời sống của 150 hộ dân với gần 600 nhân khẩu. Xâm thực cũng đang diễn ra mạnh ở phía cửa Lạch Hới, cách làng Tân Xuân chừng nửa cây số.

Người dân đứng trước nguy cơ phải sơ tán

Những rừng sú, vẹt bị sóng đánh trơ gốc.

Những rừng sú, vẹt bị sóng đánh trơ gốc.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân tại khu vực biển xâm thực, UBND xã Hoằng Phụ đã thông báo về việc di dời người và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng do xâm thực biển tại thôn Tân Xuân.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết, có khoảng 7 hộ với khoảng 21 nhân khẩu nằm trong vùng nguy hiểm, xã đã bố trí nhà văn hóa thôn để người dân di dời khi có nguy cơ. Người dân có thể đến nhà văn hóa hoặc trú ẩn ở nhà anh em họ hàng.

Để ứng phó khẩn cấp với tình trạng biển “nuốt” làng, UBND huyện Hoằng Hóa đã thành lập Ban Chỉ huy trọng điểm phòng, chống sạt lở bờ biển khu vực cửa Lạch Hới, thôn Tân Xuân, tổ chức trực canh gác khu vực bờ biển bị xâm thực.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Lạch Hới cùng nhân dân thôn Tân Xuân đã đóng góp hàng chục ngày công lao động và hàng trăm bao tải cát để kè biển, chắn sóng.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở ở khu vực cửa Lạch Hới. Lãnh đạo tỉnh này yêu cầu chính quyền huyện, xã và cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm thực, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để người dân không đến gần.

Dự án chống sạt lở, xâm thực biển ở Tân Xuân đang được gấp rút triển khai.

Dự án chống sạt lở, xâm thực biển ở Tân Xuân đang được gấp rút triển khai.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng thống nhất triển khai Dự án Xử lý khẩn cấp chống sạt lở, xâm thực biển ở Tân Xuân. Công trình có tổng mức đầu tư 155 tỉ đồng từ ngân sách.

Một con đê bao chắn sóng bằng đá hộc đang được nhà thầu gấp rút triển khai nhằm ngăn sóng đánh để có thể thi công các hạng mục thân bờ kè chính phía trong, đồng thời hạn chế một phần xâm thực.

Lãnh đạo UBND huyện Hoằng Hóa cho biết, dự án được dự kiến hoàn thành trước tháng 7/2023. Tuy nhiên, do điều kiện thi công ngoài biển nên quá trình thi công nhà thầu phụ thuộc vào nước triều lên xuống, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Việc mua vật liệu cát nhiễm mặn tại cảng nước sâu Nghi Sơn để làm vật liệu phục vụ thi công dự án nhà thầu phải phụ thuộc tiến độ khai thác, vận chuyển của bên cung cấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.