Với chủ đề “Tình hữu nghị, cầu siêu và hy vọng”, Dàn nhạc giao hưởng Lễ hội Việt - Nhật đã được hình thành nhằm phục vụ chuyến lưu diễn tại Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giữa hai nước.
60 nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản sẽ kết hợp biểu diễn để tăng cường giao lưu nhân dân hai nước và tưởng nhớ những nạn nhân động đất, sóng thần tại Nhật Bản.
Chuyến lưu diễn đặc biệt
Dàn nhạc giao hưởng Lễ hội Việt - Nhật gồm 60 nghệ sĩ đến từ các đơn vị nghệ thuật, nhà hát nổi tiếng của hai quốc gia. Phía Nhật Bản gồm 30 nghệ sĩ được chọn từ 6 dàn nhạc giao hưởng danh tiếng nhất.
30 nghệ sĩ Việt Nam gồm các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (VNAM), Dàn nhạc tre nứa Sức sống mới...
Soloist của dàn nhạc là tài năng piano Nguyễn Việt Trung - ngôi sao trẻ đầu tiên ở Việt Nam lọt vào vòng chung kết Cuộc thi piano quốc tế Chopin sau 4 thập kỷ.
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam) sẽ chỉ huy dàn nhạc này. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử một nhạc trưởng người Việt Nam được chọn để chỉ huy dàn nhạc quốc tế lưu diễn tại Nhật Bản.
Chuyến lưu diễn quy mô sẽ diễn ra tại Nhật Bản và sự kiện văn hóa này là hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản (1973 - 2023).
Bà Matsuda Ayuko – Giám đốc dự án, Ban tổ chức biểu diễn kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, khẳng định, đây là dàn nhạc “giấc mơ” khi kết hợp các nghệ sĩ tài năng của cả hai nước.
Dự kiến các nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng Lễ hội Việt - Nhật – Dàn nhạc giấc mơ sẽ thực hiện chuyến lưu diễn tại 6 thành phố của xứ sở “Mặt trời mọc” từ ngày 2 - 10/10.
Ngoài thủ đô Tokyo, các buổi biểu diễn được tổ chức tại tỉnh Gunma - nơi có nhiều người Việt sinh sống. Sau đó, các nghệ sĩ sẽ trình diễn tại các tỉnh phía Đông Nhật Bản là Iwate, Fukushima và Miyagi tại vùng Tohoku.
Ban tổ chức sẽ dành 100 vé mời cho các gia đình chịu thiệt hại nặng nề bởi động đất, sóng thần và gia đình người Việt Nam đang sinh sống ở khu vực này. Tohoku cũng là địa danh ghi dấu ấn mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản càng thêm gắn bó qua sự giúp đỡ của Việt Nam với các địa phương của Nhật Bản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi động đất, sóng thần 12 năm trước. Những buổi biểu diễn cũng là dịp bạn bè hai nước đoàn tụ
Đêm diễn được coi là hoạt động cầu siêu, tưởng nhớ những người đã mất vì thiên tai, đồng thời mang đến hy vọng rằng người dân nơi đây sẽ mãnh liệt hồi sinh sau những mất mát, đau thương và khẳng định một niềm tin về một tương lai tốt đẹp.
Bà Matsuda Ayuko cho biết, buổi diễn cuối cùng sẽ diễn ra tại Đại Phật điện của chùa Todaija ở tỉnh Nara - nơi những cuộc giao thương với Việt Nam đã diễn ra trong hàng nghìn năm trước, khởi nguồn cho mối quan hệ của hai quốc gia sau này.
“Thông qua các chuỗi công diễn, chúng tôi hy vọng sẽ làm cầu nối giữa người dân với nhau, đồng thời cầu mong bước tiến mới với tương lai tươi sáng hơn cho Việt Nam và Nhật Bản”, bà nhấn mạnh.
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh - Giám đốc âm nhạc, Chỉ huy Dàn nhạc Lễ hội Việt - Nhật. |
Chịu trách nhiệm chỉ huy dàn nhạc, Giám đốc âm nhạc kiêm nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản, Đồng Quang Vinh bày tỏ vinh dự và tự hào. Nhưng ông cũng thấy đây là thử thách lớn cho các nghệ sĩ Việt Nam. Chương trình lưu diễn không chỉ mang đến những tác phẩm âm nhạc cổ điển của các nhà soạn nhạc hàng đầu thế giới, mà còn giới thiệu nhiều tác phẩm âm nhạc dân tộc Việt Nam tới khán giả Nhật Bản.
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh chia sẻ: “Âm nhạc có ngôn ngữ chung, nên chuyến lưu diễn chính là cơ hội rất tốt để có thêm sự giao lưu, những cầu nối từ trái tim với trái tim những nghệ sĩ của hai nước”.
Theo nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, trước khi cả Dàn nhạc “hội quân”, 30 nghệ sĩ Việt Nam sẽ tập trung tập luyện rồi sang Nhật Bản. Các nghệ sĩ Việt – Nhật chỉ có 3 ngày để cùng tập luyện, khớp bè tuy nhiên họ sẽ không gặp khó khăn khi kết hợp cùng nhau bởi nhạc giao hưởng là thể loại đòi hỏi người chơi phải tuân theo “khuôn vàng thước ngọc” nghĩa là các nghệ sĩ luôn phải chỉn chu, chuẩn xác từng nốt nhạc ngay từ khi tập riêng. Do đó, họ dễ dàng hòa hợp khi ghép lại cùng nhau.
Bản thân nghệ sĩ Đồng Quang Vinh cảm thấy áp lực vì khán giả của Nhật Bản đều là những người có trình độ thưởng thức âm nhạc cao, người Nhật chỉn chu một cách tuyệt đối.
“Chúng tôi phải “thay đổi chiến thuật” bằng cách nghiên cứu tác phẩm rất kỹ, sâu sắc chứ không phải chỉ đánh đúng bài. Nhạc cổ điển rất khó về kỹ thuật. Nghệ sĩ Việt thì có lối chơi “phiêu”, nhưng nghệ sĩ Nhật thì tự giác, có tính kỷ luật cao, họ chơi nhạc chính xác và không bao giờ có chuyện xí xóa khi đánh sai một nốt nhạc”, nghệ sĩ Đồng Quang Vinh nói.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã dành lời khen cho sự thành lập của Dàn nhạc: “Nét cơ bản trong sự hài hòa của âm nhạc cho thấy sự hòa hợp trong trái tim mọi người bất kể ngăn cách bởi biên giới hay biển cả. Sự thành lập của dàn nhạc với 60 thành viên thể hiện một cách đẹp đẽ chiều sâu và sự bền vững của tình hữu nghị hài hòa mà Nhật Bản và Việt Nam đã khôi phục và phát triển trong suốt 50 năm qua”.
“Đây là dàn nhạc “giấc mơ” khi kết hợp các nghệ sĩ tài năng của cả hai nước. Thông qua chuỗi hoạt động công diễn, chúng tôi hy vọng sẽ làm cầu nối vững chắc giữa người dân với nhau, đồng thời cầu mong tương lai tươi sáng và bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản”, bà Matsuda Ayuko - Giám đốc dự án, BTC biểu diễn kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản nhấn mạnh.
Điểm sáng của Dàn nhạc là nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung. Anh đã theo học tại Học viện Âm nhạc Bydgoszcz (Ba Lan), là một học trò ưu tú của NSND Đặng Thái Sơn. Việt Trung từng chiến thắng cuộc thi Chopin Interpretations of the Young lần thứ 17 (2021) và lọt vào chung kết cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin tại Warsaw (Ba Lan) năm 2021.
Sau giải Nhất của NSND Đặng Thái Sơn, Nguyễn Việt Trung là nghệ sĩ thứ hai của Việt Nam lọt vào chung kết cuộc thi piano danh giá này.