Dân nghèo 'còng lưng' bỏ tiền mua nước sinh hoạt

GD&TĐ - Không có nước sạch để sinh hoạt, người dân một số nơi ở Thanh Hoá phải ‘cắn răng’ chi tiền triệu mỗi tháng để mua nước.

Người dân đổ xô đi mua nước sạch về dùng. (Ảnh: NT).
Người dân đổ xô đi mua nước sạch về dùng. (Ảnh: NT).

Giá 1m3 nước từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng

Đã bao đời nay, người dân các xã phía Tây Nam, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) luôn sống chung với tình cảnh “khát” nước sạch sinh hoạt. Theo tìm hiểu, khá nhiều giếng khoan, giếng đào ở khu vực này bị nhiễm chua, phèn, ngả màu vàng, mùi nước tanh nồng, khó chịu, không sử dụng được.

Để có nước sinh hoạt, các hộ dân phải tìm đủ cách, gia đình nào có điều kiện thì xây bể chứa nước mưa, khoan giếng, chi phí rất cao. Thế nhưng, thời gian gần đây, do trời không mưa, hầu hết các bể chứa nước mưa của các gia đình đã cạn kiệt. Bất đắc dĩ, nhiều gia đình phải bỏ tiền ra mua nước, số tiền lên đến hàng trăm nghìn đồng, thậm chí cả triệu đồng/tháng.

Ông Bảy chuyên đi chở nước cho các gia đình trong xã và các xã lân cận. (Ảnh: NT).
Ông Bảy chuyên đi chở nước cho các gia đình trong xã và các xã lân cận. (Ảnh: NT).

Ông Hoàng Văn Hùng, thôn Phú Thứ, xã Tượng Văn buồn rầu nói, không có nước sạch, bể chứa nước mưa của gia đình ông cạn, nước giếng không thể dùng bởi bị nhiễm phèn, hôi, tanh. Từ nhiều năm nay, hễ đến mùa hanh khô, nắng nóng là gia đình ông lại phải đi mua nước.

Nước mua được sử dụng cho ăn, uống, sinh hoạt thiết yếu. Việc giặt quần áo của người lớn, tắm rửa vẫn phải dùng nước giếng khoan. Bình nước 0,5m3 của gia đình ông Hùng mua về dùng tiết kiệm cũng chỉ được hơn 1 ngày.

"Bình quân mỗi tháng 4 thành viên trong gia đình dùng hết khoảng 10 khối nước, gần 700.000 đồng", ông Hùng nhẫm tính.

Cùng tình trạng trên, ông Phạm Văn Bảy (thôn 7, xã Tượng Văn) cho biết, dù dùng rất tiết kiệm, thế nhưng mỗi tháng gia đình vẫn sử dụng hết khoảng 10 khối nước với số tiền phải trả là 1 triệu đồng.

Ở xã Tượng Văn, gia đình anh Phạm Công Tùng là một trong 3 hộ dân may mắn nằm ở vị trí gần chân núi, khoan trúng được mạch nước ngầm nên ngoài việc sử dụng, gia đình còn có nước bán cho bà con trong khu vực.

Được biết, những gia đình ở xa thường sẽ thuê xe chở. Giá khởi điểm của 1m3 nước mua tại cơ sở là 20.000 đồng, song sẽ tăng 3, hoặc 5 lần tùy thuộc vào địa điểm người dân tiếp nhận nước. Nếu dưới 1km sẽ có giá 70.000 đồng/m3, càng xa thì giá sẽ phải tăng lên, xa nhất là 5km, giá của 1m3 nước là 100.000 đồng.

Theo ông Phạm Văn Bảy, người chở nước đi giao cho các gia đình, năm nay do nắng nóng kéo dài, không có mưa, xã Tượng Văn có khoảng 80% các hộ dân phải đi mua nước. Người dân một số xã lân cận như Trường Giang, Trường Sơn, Tượng Lĩnh… cũng phải chi tiền triệu, gọi ông chở nước đến.

Hàng chục nghìn hộ dân "khát" nước sạch

Ông Đậu Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tượng Văn cho biết, địa phương được công nhận xã nông thôn mới năm 2014. Xã có 8 thôn với hơn 5.000 nhân khẩu. Thế nhưng nguồn nước tại địa phương lại bị nhiễm mặn, phèn, hôi tanh không thể sử dụng.

Lâu nay, để có nước sinh hoạt, người dân xây bể chứa nước mưa. Tuy nhiên, cứ đến mùa hanh khô hoặc nắng nóng là người dân bị thiếu nước.

Nước nhiễm phèn khiến người dân xã Tượng Văn không thể sử dụng được. (Ảnh: NT).
Nước nhiễm phèn khiến người dân xã Tượng Văn không thể sử dụng được. (Ảnh: NT).

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Tượng Văn, ngày 2/1/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy nước sạch Thăng Thọ, có 14 xã được thụ hưởng nguồn nước sạch từ nhà máy, trong đó có xã Tượng Văn. Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhà máy thi công ì ạch, chậm tiến độ dẫn đến việc người dân xã Tượng Văn cũng như nhiều xã khác chưa có nước sạch để dùng.

"Không chỉ bất cập ở chỗ người dân không có nước sạch để dùng, việc mua nước cũng rất trớ trêu, tốn kém mà đối với địa phương, mục tiêu hoàn thành tiêu chí về nước sạch tập trung trong xây dựng nông thôn mới nâng cao cũng đang gặp khó", ông Hùng cho biết thêm.

Theo tìm hiểu, không chỉ riêng xã Tượng Văn mà nhiều xã khác với hàng chục nghìn dân của huyện Nông Cống cũng trong tình trạng “khát” nước sạch tương tự.

Được biết, huyện Nông Cống hiện có 3 nhà máy nước sạch đang hoạt động cung cấp nước cho 16/29 xã, thị trấn với 9.230 hộ/49.438 hộ dân có hợp đồng với các nhà máy nước sạch tập trung. Riêng 13 xã còn lại phía Tây Nam hiện vẫn thiếu nước sạch.

Dự án Nhà máy nước sạch Thăng Thọ, tại xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) được khởi công xây dựng quý I/2019 và dự kiến đưa vào hoạt động quý IV/2019.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng, quy mô 1,2ha, công suất thiết kế 15.000m3 nước/ngày đêm. Dự án được kỳ vọng sẽ cung cấp nước sạch cho 14 xã vùng trũng của huyện Nông Cống, với hơn 70.000 nhân khẩu. Sau nhiều năm triển khai, nhiều lần điều chỉnh, gia hạn, đến nay dự án vẫn chưa thể đưa vào vận hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.