Các công trình này được đầu tư xây dựng với số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng...
Lãng phí nguồn vốn đầu tư
Việc đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn tập trung thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với khu vực nông thôn, nhất là người dân các huyện miền núi, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thế nhưng, tại 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, hàng trăm hộ dân đang sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt do hàng loạt công trình cấp nước tập trung bị hư hỏng hoàn toàn, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Do thiếu vốn kinh phí nên các địa phương này chưa thể sửa chữa được.
Tại làng Chạc Ranh, xã Tân Phúc (huyện Lang Chánh) có 4 công trình nước sinh hoạt tập trung. Các công trình xử lý nước sạch này hiện đã bị cây cối phủ um tùm. Trước cổng, một bên còn gắn biển đơn vị thi công và ngày, tháng, năm thực hiện, ghi công trình mục tiêu quốc gia, nhưng đã bị vỡ nham nhở, một bể chứa nước khoảng 80 m3.
Theo người dân, bể nước của những công trình này sau khi đưa vào khai thác, sử dụng được vài tháng rồi bỏ hoang do không có nước.
“Hiện nay, tại xã Tân Phúc người dân đang phải sử dụng nguồn nước chảy từ các khe, suối để sinh hoạt, ăn uống. Trước đây, đã có một thời gian ngắn người dân được sử dụng nước máy, thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn là các đường ống dẫn nước bị hư hỏng, bể nước thì bị nứt, vỡ. Nhìn công trình bị bỏ hoang mà thấy xót xa”, ông Hà Văn Quang, thôn Chạc Ranh nói.
Từ Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, huyện miền núi Quan Hóa được đầu tư 88 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với 729 bể chứa nước.
Tuy nhiên, có đến 355 bể chứa nước đã bị hư hỏng hoàn toàn, số còn lại đều trong tình trạng hỏng một số bộ phận không có khả năng tích nước, hoặc dẫn nước kém… Để có nước sinh hoạt, người dân phải mua ống lấy nước trực tiếp từ mó nước, hoặc góp tiền khoan giếng và mua máy lọc nước về sử dụng.
Ông Hà Văn Hiệu (bản Pọng-Kame, xã Phú Nghiêm, Quan Hóa) cho biết, các công trình nước sạch hư hỏng từ năm 2019, một số bể chứa nước bỏ hoang, không có nước, người dân tận dụng làm nơi chứa đồ.
Theo ông Hiệu, để có nước sinh hoạt, người dân phải đầu tư đường ống dẫn nước từ các mó, suối trên rừng về dùng. Tuy nhiên, đường ống nước hay bị trục trặc và bị vỡ nên việc kéo nước về gặp nhiều khó khăn, trong khi lượng nước không đảm bảo vệ sinh.
Không chỉ Lang Chánh, Quan Hóa, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thị trấn Thường Xuân, huyện miền núi Thường Xuân có công suất 1.500 m3/ngày đêm, cấp nước cho 666 hộ dân và một số hộ dân thôn Hòa Lâm, xã Ngọc Phụng. Sau nhiều năm sử dụng, nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp, tường nứt, sụt lún, không đáp ứng đủ nhu cầu cấp nước cho người dân.
Ông Hồ Sỹ Hiếu (thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân) cho biết, mấy năm nay gia đình ông đều dùng nguồn nước máy này, tuy nhiên thời gian gần đây, nhà máy liên tục gặp sự cố nên việc cấp nước không được thường xuyên. Để đảm bảo nguồn nước gia đình ông phải đầu tư mua bể chứa, thiết bị lọc…
Huyện Thường Xuân hiện có 11 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Chương trình 134 của Thủ tướng về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135).
Công trình nước sinh hoạt tại bản Pọng-Kame, huyện Quan Hóa không phát huy hiệu quả. |
Và một loạt… lỗ hổng
“Theo thống kê, tại 11 huyện miền núi trên địa bàn Thanh Hóa hiện có 519 công trình cấp nước tập trung tại khu vực miền núi. Trong đó, chỉ có 29 công trình hoạt động hiệu quả (5,59%), 347 công trình hoạt động kém hiệu quả (66,86%) và 143 công trình không hoạt động (27,55%). Hiện, những công trình không hoạt động đang bỏ hoang, xuống cấp, không chỉ gây lãng phí ngân sách đầu tư của Nhà nước, mà còn khiến cho gần 30.000 người dân gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt”.
Nguyên nhân của tình trạng các công trình cấp nước bị xuống cấp, bỏ hoang là do công tác khảo sát, thiết kế và lập dự án chưa phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất và nguồn nước nên chất lượng nước không bảo đảm; không đủ nước cung cấp theo thiết kế.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa là tỉnh thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt, các huyện ven biển bị ảnh hưởng của mưa bão, xâm nhập mặn ngày càng nhiều, các vùng miền núi thường xảy ra thiên tai mưa lũ, sạt lở đất, dẫn đến các công trình cấp nước sinh hoạt thường xuyên bị ảnh hưởng, hư hỏng, không đảm bảo cấp nước thường xuyên cho người dân.
Một nguyên nhân nữa là phần lớn các công trình nước sạch sau khi hoàn thành, bàn giao cho UBND cấp xã quản lý, vận hành nhưng địa phương không có cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, thu không đủ chi nên không có kinh phí để duy tu, sửa chữa dẫn đến nhanh bị xuống cấp, hư hỏng.
Có công trình giao cho doanh nghiệp quản lý, nhưng do không thu được tiền sử dụng nước của các hộ dân nên doanh nghiệp cũng bỏ mặc.
Để bảo đảm người dân nông thôn được sử dụng nước sạch hàng ngày, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên hỗ trợ kinh phí để duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước nông thôn tập trung, nhất là tại các huyện miền núi và khu vực khó khăn về nguồn nước.