Dân lao đao vì bị cưỡng chế sai chủ trương của tỉnh

Dân lao đao vì bị cưỡng chế sai chủ trương của tỉnh

(GD&TĐ) - Mặc dù UBND tỉnh Quảng Ninh đã có thời gian ra hạn cho người dân sử dụng đầm để đợi thu hoạch ngao. Tuy nhiên, UBND xã Quảng Minh vẫn tiến hành cưỡng chế khiến nhiều hộ dân có nguy cơ bị mất trắng và đứng trước bờ vực phá sản.

v
Người dân lao đao trước nguy cơ số ngao bị mất trắng vì trôi ra biển

Chính quyền làm khó cho dân….?

Gia đình chị Bùi Thị Lưu ở thôn 3, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh được UBND huyện giao đất bãi để nuôi trông thủy sản, phát triển kinh tế gia đình. Theo  đó, gia đình đã đầu tư, tôn tạo, làm chòi, quây lưới cọc và nuôi trồng thủy sản từ đó đến nay...”Thế nhưng UBND huyện Hải Hà và UBND xã Quảng Minh đã ban hành nhiều Quyết định thu hồi, cưỡng chế trái quy định của pháp luật. Không những thế, ông chủ tịch UBND xã Quảng Minh còn ngang nhiên cùng khoảng 30 người nhiều lần trực tiếp xuống phá dỡ chòi, cọc vây… khiến ngao bị trôi ra biển, gây thiệt hại về kinh tế và hàng chục hộ gia đình đang gặp phải khó khăn và đứng trước nguy cơ không có tiền trả ngân hàng.

Chị
Chị Bùi Thị Lưu lo lắng trước nguy cơ mất trăng số ngao nuôi và không biết trả nợ ngân hàng bằng cách nào?!

Chị Lưu nói trong nước mắt:  “Gia đình tôi rất ngèo, lại không có nghề gì. Thấy tôi khó khăn, tôi được một người quen nhượng lại cho ít đầm để nuôi trồng thủy sản. Cách đây hơn 1 năm tôi vay tiền ngân hàng và và Hội phụ nữ xã được mấy chục triệu để quây vùng và thả giống. Nếu cứ để đến tháng 9 tới đây thì tôi cũng thu được khoảng 3-4 trăm triệu tiền ngao. Tôi đang tính sau khi thu hoạch ngao, có ít tiền, tôi có thể trả nợ, chữa bệnh cho chồng, nếu dư giả tí nào thì dựng lại cái nhà cho con cái đỡ tủi thân…vậy mà  “Tôi không ngờ bỗng dưng UBND xã xuống cưỡng chế để phá cọc vây, khiến tôi bị mất trắng. Chồng tôi thì đang phải điều trị tai biến ở bệnh viện Việt Pháp, mà bây giờ tôi không biết phải làm gì để có tiền cho chồng chữa bệnh, và trả tiền vay ngân hàng và Hội phụ nữ”?.

Theo phản ánh của một số người dân tại xã Quảng Minh, từ đầu năm 2011 đã nhiều lần UBND huyện Hải Hà và UBND xã Quảng Minh đã ra thông báo về việc thu hồi đất đầm trên địa bàn xã Quảng Minh. Do thời gian đầu nhận đầm, chưa có kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản nên phần lớn các hộ dân đều bị thua lỗ do ngao bị chết nên kinh tế còn rất khó khăn. Đại diện của 35 hộ dân đã đồng loạt gửi đơn đề nghị UBND huyện Hải Hà, UBND tỉnh Quảng Ninh để được tiếp tục sử dụng diện tích đầm đã được giao để có điều kiện thu hồi vốn đã đầu tư, nhưng trước kia bị thua lỗ.

Trên bảo dưới không nghe…?

Mặc dù đã 2 lần UBND tỉnh và Thanh tra tỉnh ra văn bản chỉ đạo UBND huyện và đồng ý cho các hộ tiếp tục sử dụng diện tích đầm bãi nói trên đến hết tháng 9-2012. tuy nhiên, từ tháng 6-2011 đến nay, đã nhiều lần UBND huyện Hải Hà và UBND xã Quảng Minh ra Quyết định thu hồi đất và gửi thông báo cưỡng chế đầm của hàng chục hộ dân ở xã Quảng Minh.

Tại Thông báo số 01 ngày 16-5-2011, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã gửi 35 hộ dân nêu rõ: “Sau khi nghe trình bày nội dung kiến nghị và tài liệu hiện có, căn cứ quy định của pháp luật, đồng chí Đỗ Thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh có ý kiến như sau: Hội đồng tiếp dân UBND tỉnh đã trao đổi với đồng chí Chủ tịch UBND huyện Hải Hà thống nhất đồng ý giải quyết cho các hộ dân sử dụng đất bãi triều nuôi, thu hoạch kéo dài hết vụ vò tháng 9-2012, và sau đó UBND huyến sẽ thu hồi và thực hiện theo Nghị đinh 26/NĐ-CP của Chính phủ”.

Mặc dù ông Chủ tịch UBND huyện và Phó chủ tịch UBND tỉnh đã thống nhất và được Thanh tra tỉnh ra văn bản thông báo, nhưng sau khi có thông báo của Thanh tra tỉnh thì UBND xã Quảng Minh đã nhiều lần ra thông báo về việc “Cưỡng chế tháo dỡ lấn chiếm đất bãi triều”, những thông báo cưỡng chế của UBND xã Quảng Minh là đi ngược với chủ trương của UBND tỉnh Quảng Ninh. Nhiều người cho rằng, có thể xã được UBND huyện Hải Hà “bảo kê”.

Trước tình hình UBND huyện Hải Hà và UBND xã Quảng Minh phớt lờ chủ trương của UBND tỉnh, gây thiệt hại kinh tế cho người dân. Hàng chục người dân tiếp tục khiếu nại lên UBND tỉnh Quảng Ninh. Ngày 20-9-2011, UBND tỉnh Quảng Ninh có công văn số 3719/UBND-TD gửi UBND huyện Hải Hà, chỉ đạo giải quyết đề nghị của 1 số hộ dân xã Quảng Minh. Công văn nêu rõ: “…Hạn cuối cùng đến tháng 9-2012, các hộ phải trả lại đất bãi triều để UBND huyện thực hiện việc giao đất theo quy định mới”.

Bất chấp công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, ngày 29-9-2011 UBND xã Quảng Minh lại gửi hàng loạt Thông báo đến các hộ dân để yêu cầu thực hiện hàng loạt Quyết định do UBND huyện Hải Hà ban hành ngày 3-8-2011. Nghiêm trọng hơn là ngày 19-12, UBND huyện Hải Hà tiếp tục ban hành hàng loạt Quyết định cưỡng chế thu hồi đất bãi triều đối với nhiều hộ gia đình đang nuôi trồng thủy sản tại xã Quảng Minh (Các hộ được UBND tỉnh cho sử dụng bãi đến tháng 9-2012).

UBND tỉnh đã 1 lần ra thông báo, và 1 lần ra công văn chỉ đạo nhưng UBND huyện Hải Hà và UBND xã Quảng Minh vẫn “không nghe” để ban hành nhiều Quyết định cưỡng chế đối với người dân nuôi trồng thủy sản tại bãi triều của xã Quảng Minh.

Chủ tịch UBND xã Quảng Minh, Hải Hà, Quảng Ninh Vũ Đình Loan nói: Chúng tôi làm theo quyết định thu hồi đất của UBND huyện?
Chủ tịch UBND xã Quảng Minh, Hải Hà, Quảng Ninh Vũ Đình Loan nói: Chúng tôi làm theo quyết định thu hồi đất của UBND huyện?

Tại trụ sở UBND xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, ông Vũ Đình Loan, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chúng tôi thành lập tổ cưỡng chế có đầy đủ các ban ngành địa phương, và theo Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Hải Hà”.

Tuy nhiên, ông Loan cũng thừa nhận việc cưỡng chế đã không tuân thủ theo đúng quy trình như:  Trước khi cưỡng chế, UBND xã không hề xác định giá trị tài sản của người dân để tính đến mức độ thiệt hại; Trong quá trình cưỡng chế, lực lượng cưỡng chế đã chặt phá cọc vây của những hộ gia đình không nằm trong diện bị cưỡng chế.

Trước sự việc trên dư luận đặt câu hỏi: Việc phá lưới và cọc vây liệu có phải là hủy hoại tài sản của người dân hay không? Theo những người dân, trong các đợt UBND xã tổ chức cưỡng chế đã gây thiệt hại cho họ khoảng trên dưới 10 tỉ đồng. Trong số đó, phần lớn hộ gia đình bị mất trắng, trong khi họ vẫn đang phải nợ một khoản lớn từ tiền vay của ngân hàng hoặc các cá nhân cũng như đơn vị tài chính khác.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cần xem xét đến nguyện vọng và quyền lợi của người dân, đồng thời xác minh tính chất vụ việc cũng như trách nhiệm của UBND huyện Hải Hà và UBND xã Quảng Minh.

Minh Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.