Lên bờ
Anh Hai Triều (45 tuổi), Trưởng xóm chài mời chúng tôi vào căn nhà mới xây còn nồng mùi vôi vữa. Hai Triều cười tươi và khoe, năm nay anh và gia đình ăn Tết trên bờ. Căn nhà được xây dựng khi chính quyền xã Ia Tơi, huyện Ia H’"Drai cấp cho 400m2 đất ở và 50 triệu đồng. Rồi, anh gom tiền tích lũy lâu nay, vay mượn thêm để xây nhà trị giá gần 300 triệu đồng. Trước Tết Kỷ Hợi 2019, căn nhà kịp hoàn thành để đón Tết.
Thắp nén hương trên bàn thờ tưởng nhớ tổ tiên, Hai Triều rót nước mời khách, giọng xúc động: “Gần 10 năm lang thang sông này, hồ kia, bây giờ mới được đón cái Tết trên bờ. Từ năm 2010, chúng tôi xa quê, lang thang đến các vùng sông hồ tỉnh Tây Ninh, Đắk Lắk, Bình Phước… sống bằng nghề đánh bắt cá, hầu như năm nào cũng ăn Tết dưới bè”.
Quê Hai Triều ở xã Vĩnh Phước (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), thuộc hộ nghèo nhất nhì trong xóm. Từ đời cha ông đã gắn bó với con thuyền, dòng sông và những lòng hồ mênh mông đó đây kiếm sống. Năm 2012 về vùng hồ thủy điện Sê San 3, vùng đất được trời phú cho nhiều tài nguyên, là “cái rốn” của nhiều loài cá tự nhiên. Theo tiếng lành đồn xa, anh cùng hàng chục hộ về đây cắm bè sinh nhai, nhưng nỗi buồn của những thân phận du ngư lang bạt thì cứ đeo bám trong lòng, nhất là mỗi khi Tết đến, xuân về.
Năm 2012 về đây ở, hàng chục hộ cắm bè nối tiếp nhau, ngày ra sông đánh lưới thả câu; đêm về bè ngủ dưới tiếng ru rì rầm của sóng nước. Bây giờ, mỗi hộ dựng bè riêng biệt, ban ngày thì làm cá, đến đêm lên bờ về nhà ngủ. Lưng dân chài không còn lắc lư trên con nước Sê San đầy vơi.
|
Vui đời sống mới
Chủ tịch UBND xã Ia Tơi Chế Hồng Quyền kể, một buổi sáng vào khoảng đầu năm 2015, Hai Triều vào UBND xã Ia Tơi xin tạm trú trên bè để làm ăn, bởi trước đó anh và những người dân chài từ nơi khác đến đánh bắt cá trên lòng hồ nhưng chưa đăng ký với chính quyền địa phương. Nghe trình bày, anh Quyền báo cáo cấp trên. Vài ngày sau, Đồn Biên phòng ở đây mời cả làng chài lên hỏi nguyện vọng và cấp sổ tạm trú.
Cuối năm 2017, đích thân Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hùng đi ghe ra tận các bè nổi làng chài thăm hỏi và chỉ đạo ngành chức năng huyện Ia H’Drai chiếu theo quy định hiện hành để cấp hộ khẩu, đất ở tạo điều kiện cho dân lên bờ cho con cái học hành, gia đình sinh hoạt. Vậy là đến năm 2018, ngoài được nhập khẩu, tỉnh Kon Tum còn cấp cho 29 hộ dân ở đây mỗi hộ 400m2 đất và 50 triệu đồng cất nhà ở.
Từ khi ổn định cuộc sống của người dân làng chài Sê San 4 phát triển vững chắc hơn. Những chiếc bè tròng trành chừng 30m2, được ghép từ ván gỗ giờ không còn là chỗ duy nhất để ngủ, nghỉ đi về. Về kế sinh nhai, nếu trước đây người dân làng chài chỉ thuần đánh bắt cá bống, cá chạch, cá mè dinh, cá lăng đuôi đỏ... giờ họ chuyển sang nuôi thêm cá trắm, cá diêu hồng, cá thác lác… Đây là nguồn thu nhập chính của dân làng chài. Chưa kể, dân làng chài giờ còn sáng tạo ra món “bánh tráng cá cơm Sê San” nổi tiếng, được nhiều người ưa thích. Một số hộ trên lòng hồ còn làm dịch vụ đưa đón khách tham quan vùng lòng hồ, mỗi tháng kiếm được thêm 5 - 7 triệu đồng.
|
Anh Hai Triều tâm sự: Nhớ thời ăn Tết trên bè, không có bánh chưng xanh mà ăn. Ai muốn ăn thì gửi thương lái ra chợ mua, nhưng bánh chưng cũng không được như ý mình. Năm nay được lên ở nhà mới, phụ nữ làng chài lại bàn nhau người thì gói bánh chưng, người thì gói bánh tét, làm bánh bông lan theo truyền thống của quê nhà. Người thì lo sắm sửa các vật dụng cho nhà mới nên ngày nào cũng đi chợ. Làng chài hai mươi mấy hộ năm nào cũng tổ chức ăn tất niên chung, chia sẻ ngọt bùi cuộc sống, việc làm ăn trong năm.