Đắn đo cao ngựa bạch

GD&TĐ - Loài ngựa thường được nhắc đến như một biểu tượng của sinh lực và sức mạnh. Có lẽ bởi vậy mà thực phẩm hay dược liệu được tinh chế từ ngựa - đặc biệt là ngựa bạch - luôn đươc ưa chuộng bởi những công dụng truyền miệng, truyền tai đầy hấp dẫn…

Đắn đo cao ngựa bạch

Thứ nhì ngựa bạch!

Anh Nguyễn Văn Huấn (xã Tiên Phong, Ba Vì, Hà Nội), người có thâm niên gần chục năm nấu cao xương ngựa vui vẻ cho biết: Bộ xương là giá trị của cả con ngựa đấy. Tôi cũng nghe nói nó bồi bổ sinh lý cho đàn ông nên thường được các đại gia lựa chọn.

Trước đây, tôi đã từng nấu các loại cao xương như: cao mèo, trăn…nhưng từ khi chuyển sang nấu cao xương ngựa cũng được “rủng rỉnh” hơn. 

Cũng nhờ công dụng “truyền miệng” tuyệt hảo này của cao xương ngựa mà miếng cơm manh áo của những người làm nghề như tôi cũng ấm hơn. Và cũng có thể do câu ca của các cụ “thứ nhất hổ vằn, thứ nhì ngựa bạch” nên giống ngựa này rất có giá.

Theo anh Huấn, cao xương bằng giá trị của cả con ngựa, bán xong cao là coi như được ăn thịt không mất tiền. Mùa bận rộn của thợ nấu cao ngựa là dịp cuối năm vì dân sành ăn chơi trưng dụng làm quà cáp, hoặc những gia đình khá giả làm tiệc cưới hỏi và nấu cao để dùng suốt bốn mùa.

Với ngựa, bộ phận nào cũng làm nên món nên thợ giết mổ ngựa cũng phải học thêm nhiều mánh, phải “đa di năng” để giữ mối làm ăn: Tiết canh ngựa rất tốt cho đường ruột; Bộ lòng làm món thắng cố; Thịt làm đủ món như thịt bò; Bộ xương ngựa được chia nhỏ, đánh rửa kỹ rồi cho vào các nồi nấu từ 3 - 7 ngày liên tục, lớp cao cô dần như nấu thuốc, đến khi sánh lại, tay cầm được, ra khuôn là hoàn tất.

Một con ngựa khoảng 250 kg hơi thì cho 80 kg thịt, gần 4 kg cao xương. Cao ngựa bạch thường đắt gấp đôi cao ngựa bạch kim.

Với những thợ nấu cao, cách phân biệt đơn giản nhất, trực quan nhất: Ngựa bạch là ngựa trắng hoàn toàn, móng và mõm đều trắng hồng. Ngựa bạch kim là móng và mõm có pha màu đen.

Nghề nào ăn nghiệp ấy, khách có cầu thì sẽ có nguồn cung. Tuy nhiên, làm nghề nhưng anh em cũng chưa có điều kiện kiểm chứng công dụng của cao xương ngựa. Mỗi ngày, chỉ biết nghề nấu cao xương mang lại cơm no, áo ấm cho cả gia đình.

Ung thư giai đoạn cuối khỏe hơn nhờ cao ngựa

“Cao ngựa đã giúp vãn hồi hạnh phúc nhiều cặp vợ chồng do hiếm muộn gây nên. Nó cũng làm hài lòng rất nhiều quý ông tìm đến phòng khám của tôi do gặp rắc rối về vấn đề “khó nói”. 

Ngoài ra, món này còn có tác dụng bồi bổ cả tinh thần cho người bệnh” - Đó là lời chia sẻ của Bác sĩ Trần Văn Thứ (Phòng chẩn trị Y học cổ truyền Minh Hương Đường, Bến Tre) về công dụng của cao xương ngựa.

Theo Bác sĩ Thứ, thịt ngựa vị ngọt, hơi cay, tính bình, bổ thận, tráng dương, nâng đỡ cơ thể. Trong y học cổ truyền, cao xương ngựa bạch là vị thuốc quý có tác dụng đại bổ chỉ xếp sau cao xương hổ. 

Ngoài tác dụng với sức khỏe nói chung, cao xương ngựa bạch còn có tác dụng điều trị đặc trưng với một số bệnh lý cụ thể như viêm khớp, bệnh cột sống thắt lưng, bệnh hen phế quản, bổ dưỡng cho trẻ còi xương..

Mọi lứa tuổi đều có thể sử dụng cao ngựa để tăng cường sức khỏe. Cao xương ngựa có thể hỗ trợ điều trị bệnh vô sinh, hiếm muộn, liệt dương ở đàn ông, yếu sinh lý ở phụ nữ… 

Cao xương ngựa có thể hỗ trợ điều trị suy nhược cơ thể và đặc biệt còn có tác dụng hỗ trợ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, cao ngựa là một loại dược liệu tốt. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sĩ, trước khi sử dụng các dược phẩm nói chung, cao xương ngựa nói riêng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để việc sử dụng đạt hiệu quả, tránh lợi bất cập hại. - Bác sĩ Trần Văn Thứ nhấn mạnh.

Đông y chỉ sử dụng có cao ngựa làm vị thuốc nhưng trên thực tế ngoài lấy xương để nấu cao, con ngựa bạch còn bị khai thác không sót thứ gì, từ thịt, da, phổi, móng chân, bào thai, pín... để bán với giá trên trời. Số lượng ngựa bạch ở nước ta vì thế chỉ còn chưa đến 500 con. 

Nếu không có biện pháp bảo vệ và phát triển đàn ngựa hữu hiệu, trong tương lai, có thể chúng ta sẽ chỉ còn được nhìn thấy ngựa trắng ở… trong tranh.

Cứ nhìn vào viễn cảnh này của loài ngựa bạch thì quả thật các bác sĩ Đông y có lẽ cũng sẽ phải đắn đo hơn khi đặt bút kê đơn hoặc đưa ra lời khuyên cho người sử dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ