Đa dạng hoạt động
Trong giờ học môn Giáo dục công dân của lớp 6A2, Trường THCS Cổ Bi (huyện Gia Lâm, Hà Nội) với bài học “Siêng năng, kiên trì”, cô Phan Thị Diệu Huyền đã tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp để phát huy năng lực của học sinh. Bám sát vào đặc trưng của bộ môn, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, tổ chức, học sinh được phát huy tính chủ động, sáng tạo trong từng hoạt động.
Với cách dẫn dắt nhẹ nhàng, truyền cảm cùng việc áp dụng phần mềm dạy học sáng tạo, cô Huyền đã lôi cuốn học sinh vào bài học ngay từ những phút đầu tiên. Các em được trải nghiệm qua tình huống cụ thể gắn liền với thực tế đời sống; được nhìn nhận, đánh giá mức độ siêng năng, kiên trì của bản thân cũng như người xung quanh để xây dựng cho mình tác phong sống đẹp, sống có ích.
Còn trong giờ Giáo dục công dân của lớp 7A4, Trường THCS Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) với bài học “Học tập tự giác, tích cực”, cô Nguyễn Thị Thanh Hằng đã sử dụng nhiều phương pháp, kỹ thuật dạy học sáng tạo nhằm phát huy sự chủ động, tích cực của học sinh như: Làm việc nhóm, thuyết trình... Học sinh vô cùng hào hứng, tích cực tham gia các hoạt động.
Sau bài học, em Nguyễn Bảo Ly cho biết đã tiếp cận được nhiều kiến thức bổ ích như cần phải rèn luyện tính tự giác, tích cực trong học tập; luôn vạch ra mục tiêu và kế hoạch hoạt động học tập rõ ràng, cụ thể; xây dựng thời gian biểu cho việc học hợp lý, khoa học.
Cùng với đó, bài học Bảo Ly rút ra sau tiết học là cần nhắc nhở và giúp đỡ những bạn chưa có tính tự giác, tích cực trong việc học để cùng nhau tiến bộ; đồng thời động viên, giúp đỡ và nhắc nhở những bạn có thói quen học tập thụ động, tiêu cực, luôn tự ti về học tập.
Tại Trường THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội), cô Bùi Thị Ngọc Lan đã khéo léo lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức lối sống vào bài giảng môn Ngữ văn của học sinh lớp 10A1. Theo cô Lan, đây là môn học có thế mạnh để tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng sống và khát vọng sống tích cực cho học sinh. Đặc biệt trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên càng có điều kiện phát huy thế mạnh này.
Ví dụ, khi hướng dẫn học sinh đọc hiểu truyện ngắn, truyền thuyết, cổ tích, giáo viên có thể tích hợp giáo dục cho học sinh tinh thần nhân ái, ý thức bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; giáo dục lối sống văn minh, nhân ái, ý thức kỷ luật, tự giác, có trách nhiệm với cộng đồng.
Trong quá trình dạy kỹ năng viết, giáo viên thiết kế, giao nhiệm vụ cho học sinh luyện tập thực hành kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử, trong đó xây dựng các nhân vật lịch sử như những tấm gương về đạo đức, lối sống, tinh thần hi sinh, xả thân vì cộng đồng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh chống giặc giữ nước.
Giờ học Giáo dục công dân của lớp 7A4 Trường THCS Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: ITN |
Phối hợp nhiều giải pháp
Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh được thực hiện thông qua tất cả môn học, hoạt động giáo dục. Trong đó, môn Giáo dục công dân (ở tiểu học gọi là môn Đạo đức, ở THCS gọi là môn Giáo dục công dân, ở THPT gọi là môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật) đóng vai trò quan trọng.
Để tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo cơ sở GD triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội để xây dựng môi trường giáo dục trong nhà trường, gia đình và xã hội lành mạnh.
Các nhà trường cũng đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; chú trọng việc tổ chức, hướng dẫn các em khám phá, phân tích, khai thác các thông tin, xử lý tình huống thực tiễn, trường hợp điển hình, gần gũi với đời sống.
Đồng thời coi trọng việc tổ chức, hướng dẫn hoạt động trải nghiệm để học sinh tự phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới, từ đó hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người công dân tương lai. Giáo viên biết vận dụng các hình thức giáo dục theo hướng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả như dạy học theo lớp, theo nhóm và cá nhân, ở trong lớp, ngoài lớp và ngoài trường.
Cùng với đó, các thầy cô tăng cường sử dụng phương tiện truyền thông nhằm đa dạng, cập nhật thông tin, tạo hứng thú cho học sinh; kết hợp giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh.
Để cụ thể hóa các chương trình giáo dục, mới đây, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt Bộ tài liệu hướng dẫn hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Bộ tài liệu bao gồm: Sổ tay hướng dẫn giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và Tài liệu hướng dẫn giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh THCS trong các môn học (Giáo dục công dân, Ngữ văn, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ tài liệu được biên soạn trên cơ sở cập nhật những quy định hiện hành và kết quả nghiên cứu, hoạt động đã triển khai thành công trong thực tiễn về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cộng tác viên phụ trách công tác Đoàn, Đội theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.