Đây là nội dung đáng chú ý trong talkshow “Với dân công nghệ, EQ không thấp như bạn nghĩ” vừa diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.
Thạc sĩ truyền thông Phạm Công Nhật cho rằng, người trẻ làm trong lĩnh vực khoa học, công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng thường nghĩ các bạn khó có thể có kỹ năng mềm tốt như các khối khác.
Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, điều này là không cần thiết nên chỉ cần tập trung làm tốt công việc chuyên môn.
Theo ThS Nhật, chỉ số cảm xúc luôn hiện hữu trong mỗi người mà không cần phân biệt người đó học tập và làm việc trong lĩnh vực nào.
Với “dân” công nghệ cũng vậy, để xóa bỏ định kiến việc chỉ có IQ mà không có EQ, trước hết họ phải tin vào chỉ số cảm xúc của mình, theo ThS Phạm Công Nhật.
Tại chương trình, chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trần Thanh Tùng chia sẻ câu chuyện, trước đây bản thân từng bị nhận xét là "vô duyên", chưa thực sự khéo léo.
Bản thân anh Tùng ở thời điểm đó từng nghĩ chỉ cần học và học giỏi là đủ. Sau dần điều này khiến anh nhận ra mình thiếu sự kết nối và cảm thấy rất cô đơn.
“Mình bắt đầu việc luyện tập EQ bằng cách mua thật nhiều cuốn sách về giao tiếp, sách hài về nghiền ngẫm, luyện tập. Từ đây, mình nhận ra rất nhiều thiếu sót về EQ của bản thân qua những kỹ năng mình học được từ sách. Sau khi áp dụng, mọi người xung quanh bắt đầu cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt từ mình”, anh Tùng cho hay.
Chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo này cho rằng, để làm tốt công việc, ngoài kỹ năng cứng, mỗi bạn trẻ phải có thêm các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp.
“EQ không phải một kỹ năng cần bổ sung như mọi người hay nghĩ, mà là một kỹ năng bắt buộc phải có. Lúc nào kỹ năng cứng cũng cần đi với giao tiếp thì mới làm tốt được công việc của mình. Kể cả đối với dân IT, họ luôn có những ngôn ngữ riêng để giao tiếp, để đảm bảo công việc vận hành trơn tru. Cho nên không một ngành nghề nào là không cần đến EQ cả”, anh Tùng nhấn mạnh.