Đã nằm nghe nàng luyên thuyên kể chuyện nhà-chuyện bếp-chuyện đời lúc tàn đêm ra sao.
Sáng đầu tuần, cô tạp vụ nghỉ ốm, thế là mất suất cà phê sáng. Cố nhịn, rồi không chịu nổi, tôi bỏ việc lượn ra đầu phố ngồi uống cà phê. Cạnh bàn, mấy chàng đang ngồi gác chân lên ghế tán chuyện:
Chàng già: "Mẹ, đang vui thì mày bỏ về."
Chàng trẻ: "Vợ em nó ốm nghén nằm bẹp. Em phải về xem nó ăn uống thế nào."
Chàng già: "Mày đúng là thằng núp váy vợ. Bảo nó mua phở về mà ăn. Mất mẹ nó một chân phỏm, vỡ cả trận."
Chàng béo: "Mày đội nó lên đầu thế, rồi có ngày nó vặt hết cả râu lẫn tóc mày đi."
Sao những người đàn ông kia lại coi cử chỉ chăm sóc bình thường với vợ như một hành vi mất mặt?
Có cái gì đó quen quen trong cách những người đàn ông nói chuyện. Tôi chắc bạn đã từng nghe những cuộc đối thoại như thế cả trăm lần ở những bữa nhậu, ở quán bia hơi luôn chật cứng đàn ông sau giờ làm việc, ở bàn ăn trưa của dân văn phòng và cả ở phòng nước của những trường kỹ thuật.
Tôi nhớ lại bữa trưa đầy nước mắt của bạn tôi. Nàng ngồi ăn, mà nước mắt lã chã rơi xuống bát cháo còn đầy nhưng đã nguội.
Người đàn bà trẻ xinh đẹp, giỏi giang và đoan trang mà tôi thầm ngưỡng mộ ấy đã luôn ngồi xuống để chồng mình đứng cao hơn, đã luôn bước lùi lại để chồng mình luôn nổi bật, đã vừa đánh răng vừa cọ toa lét buổi sáng, vừa lau bếp vừa cho hai đứa con mọn ăn mỗi buổi chiều về.
Vậy mà cái mà nàng nhận được là sự lười biếng gia tăng của gã chồng, là việc hắn nghi ngờ mỗi khi vợ đi làm về trễ, là những lời nhiếc móc và sự hằn học, bởi trong sâu thẳm, hắn hiểu rằng hắn không xứng đáng với nàng.
Và để vùi dập đi sự tự ti nội tại, để vuốt ve sĩ diện bên ngoài, hắn ra sức hành tỏi ra oai với vợ trước mặt người khác, ra sức ủ mưu kìm tỏa, vây hãm vợ trong nhà.
Hắn nào hiểu được rằng quát tháo hay kiềm tỏa chỉ có thể làm bạn tôi đau khổ vì đã chọn nhầm người, không thể làm cho nàng ngừng xinh đẹp hay tỏa sáng, lại càng không làm nàng yêu hay trọng hắn hơn.
Và rồi cốc nóng quá thì tay phải buông, đến con giun xéo mãi cũng phải quằn, nói gì đến vợ.
Hóa ra, có những lúc người đàn ông tưởng mình mềm yếu nhất, là lúc họ làm người đàn bà yêu kính họ nhiều hơn cả - Ảnh minh họa.
Tôi nhớ lại đêm tôi sinh con gái, máu chảy vọt thành dòng, nằm nghe máu thấm qua chiếu, nhỏ giọt xuống nền đá hoa bệnh viện.
Chồng mua giấy bản, lót xuống dưới chiếu, bế vợ xuống lau rửa, rồi lại đặt vợ lên. Chồng tôi vốn xưa nay sợ máu, nhưng vẫn muốn tự mình chăm vợ đẻ.
Vì điều ấy, tôi không thể nào mở miệng cãi hỗn với chồng suốt những năm sau, lại càng không dám kể lể công lao hay bì tị việc này việc nọ. Hóa ra, có những lúc người đàn ông tưởng mình mềm yếu nhất, là lúc họ làm người đàn bà yêu kính họ nhiều hơn cả.
Tôi đứng dậy, trả tiền, bước ra khỏi quán, không quên lườm mấy gã đàn ông một cái thật dài. Cậu chàng đang bị bạn mắng còn rất trẻ, nét mặt bối rối, ngượng ngập cười xí xóa như thể mình vừa làm một việc chẳng xứng đàn ông.
Sao những người đàn ông kia lại coi cử chỉ chăm sóc bình thường với vợ như một hành vi mất mặt? Và bao lâu nữa, chàng trai trẻ nọ cũng sẽ trở thành một người như họ?
Nếu bạn là đàn ông và bạn đọc bài này, xin hiểu rằng đàn bà thực ra vô cùng đơn giản.
Họ trọng chồng không phải bởi số tiền anh ta kiếm được, chiếc nhẫn hạt xoàn anh ta đã mua cho, hoặc anh ta oai phong hào nhoáng thế nào ngoài đường ngoài chợ, mà bởi việc anh đã bế vợ trên tay thế nào khi chị ốm, đã nằm nghe nàng luyên thuyên kể chuyện nhà-chuyện bếp-chuyện đời đến lúc tàn đêm ra sao, đã thức pha sữa thay bỉm cho con và chăm cha vợ ốm thế nào.
Đàn bà không cần gì to tát, họ chỉ cần yêu thương và bản lĩnh. Yêu thương đủ để sưởi ấm họ. Bản lĩnh đủ để nhường nhịn, khoan dung thói đàn bà mà không sợ bị lấn át, đủ để làm những việc nhỏ nhặt cho họ mà chẳng sợ bạn bè khích bác, đủ để cho vợ đứng ngang mình trong nhà - ngoài ngõ.
Bởi yêu và trọng của đàn bà thật ra rất gần nhau.