Đảm bảo mục tiêu giáo dục trong mọi hoàn cảnh

GD&TĐ - Điều chỉnh kế hoạch, thay đổi giáo án, thời khóa biểu, đảm bảo mục tiêu môn học là nhiệm vụ mà các nhà trường tại Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhằm thích ứng với tính phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Viết Xuân đảm bảo an toàn phòng dịch trong giờ
Học sinh Trường THPT Nguyễn Viết Xuân đảm bảo an toàn phòng dịch trong giờ

Thích ứng với hoàn cảnh

Là địa phương được đánh giá kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 nên ngay từ đầu năm học 2021-2022, học sinh toàn tỉnh Vĩnh Phúc được học trực tiếp tại trường. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các nhà trường, giáo viên trên địa bàn tỉnh đã được hướng dẫn, chủ động điều chỉnh kế hoạch, giáo án và ưu tiên nội dung trọng điểm trong mỗi môn học để giảng dạy trước.

Ngay sau khi có văn bản của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường cùng thông báo Kết luận của Giám đốc Sở tại Hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học, Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Thái Học (TP. Vĩnh Yên) đã thống nhất, áp dụng quan điểm chung.

Đó là, bất kỳ trong hoàn cảnh nào, hoạt động chuyên môn của nhà trường phải đảm bảo tốt mục tiêu giáo dục của mỗi môn học; mục tiêu giáo dục của cả chương trình và mục tiêu giáo dục chung của nhà trường.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Học được đo thân nhiệt vi vào trường
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Học được đo thân nhiệt vi vào trường

Nhằm hiện thực hóa quan điểm trên, BGH Trường THPT Nguyễn Thái Học đã chỉ đạo áp dụng một số vấn đề về công tác chuyên môn như: Các tổ, nhóm chuyên môn thực hiện rà soát chương trình, chọn lựa các nội dung trọng điểm trong mỗi môn học để giảng dạy trước. Đảm bảo tính tinh giản, tính lôgic về mạch kiến thức. Không thực hiện việc dừng dạy học ở môn này để ưu tiên dạy môn khác.

Đồng thời, tăng thời gian giảng dạy trực tiếp trong thời gian học sinh được đến trường. Giảm thiểu các buổi hội họp không thật cần thiết trong HĐGD nhà trường để dành thời gian cho hoạt động giảng dạy, phụ đạo, bồi dưỡng học sinh. Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, công cụ dạy học trực tuyến, kế hoạch bài giảng…sẵn sàng thực hiện khi có diễn biến xấu của dịch Covid-19. Thực hiện tốt công tác phối hợp với phụ huynh học sinh trong công tác giáo dục của nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Thùy Dương giáo viên Trường THPT Nguyễn Thái Học chia sẻ thông tin với Báo GD&TĐ
Cô Nguyễn Thị Thùy Dương giáo viên Trường THPT Nguyễn Thái Học chia sẻ thông tin với Báo GD&TĐ

Cô Nguyễn Thị Thùy Dương, Tổ phó Tổ Toán-Tin nhà trường chia sẻ: Việc lựa chọn nội dung trọng điểm của mỗi môn học để ưu tiên dạy trước là phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Không ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục của môn học và của cả chương trình.

Quan điểm của giáo viên nhà trường là việc lựa chọn không được nhầm lần giữa “Chọn lựa nội dung trọng điểm của mỗi môn học” với “Chọn lựa môn học trọng điểm” để ưu tiên dạy trước. Vì nếu “Chọn lựa môn học trọng điểm” để dạy trước sẽ dẫn đến việc dồn nén chương trình của các môn ở mỗi thời điểm, không đảm bảo mục tiêu giáo dục của các môn học đó.

“Trong tổ Toán – Tin chúng tôi đã thống nhất việc tạm dừng các tiết dạy tự chọn, các tiết thực hành máy tính cầm tay và một số nội dung có thể lược bớt ở thời điểm hiện tại. Tất cả các nội dung này tổ chuyên môn đã có kế hoạch thực hiện trong thời gian sau, đảm bảo vẫn thực hiện tốt mục tiêu giáo dục của môn học” - cô Nguyễn Thị Thùy Dương chia sẻ thêm.

Ưu tiên học sinh cuối cấp

Tại Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (huyện Vĩnh tường), cô Phạm Thị Hòa – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, ngay trước thềm năm học mới, Trường THPT Nguyễn Viết Xuân đã chủ động xây dựng kịch bản năm học là dạy trực tiếp và trực tuyến. Từ đó, linh hoạt kế hoạch, bám sát tình hình thực tế để triển khai nhiệm vụ năm học. Nhà trường đã họp các tổ, nhóm chuyên môn để xây dựng lại kế hoạch, tinh giảm nội dung chưa cần thiết.

Một giờ học của cô và trờ Trường THPT Nguyễn Viết Xuân. Ảnh tư liệu
Một giờ học của cô và trờ Trường THPT Nguyễn Viết Xuân. Ảnh tư liệu

Sau khi Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc có hướng dẫn, nhà trường tiếp tục họp giáo viên cốt cán để tinh giảm, linh hoạt nội dung chương trình. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, học sinh tại Vĩnh Phúc được đến trường học trực tiếp, nhà trường đã cho học sinh ôn tập lại phần kiến thức lớp 10, 11 của năm trước do phải học trực tuyến. Đồng thời, lựa chọn kiến thức trọng tâm để dạy trực tiếp cho học sinh. Đến nay, nhà trường vẫn linh hoạt triển khai theo kế hoạch và luôn sẵn sàng phương án khi tình hình dịch bệnh xảy ra.

“Đối với học sinh lớp 12, ngay từ đầu năm, nhà trường đã tiến hành họp phụ huynh trực tuyến để thông báo tình hình dịch bệnh về kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm học để phụ huynh hiểu, đồng hành cùng nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường ưu tiên tuyệt đối về thời gian cho các em.

Các hoạt động như lao động, hoạt động giáo dục ngoài nhà trường được cắt giảm. Cùng với việc linh hoạt kế hoạch, lựa chọn kiến thức cơ bản, trọng tâm, nhà trường cũng có kế hoạch ôn tập cho các em để đảm bảo chất lượng chuyên môn tốt nhất” – Cô Phạm Thị Hòa cho biết thêm.

Việc ưu tiên thời gian cho học sinh cuối cấp cũng được Trường THPT Nguyễn Viết Xuân quan tâm đặc biệt. Các hoạt động ngoài nhà trường giảm xuống và chuyển đổi hình thức thực hiện. Nhà trường tổ chức phân hóa mạnh hơn năng lực học sinh trong từng lớp qua việc giao nhiệm vụ học tập. Đảm bảo phù hợp cao nhất về năng lực nhận thức của các em.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đặc biệt chú trọng công tác phụ đạo học sinh chưa đạt chuẩn qua mỗi tiết dạy. Giáo viên bộ môn có nhiệm vụ hướng dẫn học sinh qua kênh trực tuyến để giúp các em đạt được kiến thức, kỹ năng cơ bản của tiết dạy.

Bên cạnh những thuận lợi như được sự chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh thì đội ngũ giáo viên Trường THPT Nguyễn Thái Học và THPT Nguyễn Viết Xuân đều nhận thấy sự cần thiết phải điều chỉnh thời gian thực hiện các nội dung trong mỗi môn học và sự cần thiết phải tăng thời lượng tương tác trực tiếp với học sinh trên lớp.

Ngoài ra, từ năm học trước, đội ngũ giáo viên đã trải qua những biến động lớn do dịch Covid-19 nên đã có sự linh hoạt, chủ động trước mọi sự thay đổi. Đó là yếu tố thuận lợi lớn nhất của nhà trường trong công tác quản lý, điều hành ở thời điểm hiện tại.

Từ đó, BGH các nhà trường luôn đồng hành, động viên, khích lệ đội ngũ trong công việc. Cùng họ trải nghiệm để chia sẻ. Phát huy tinh thần tập thể, đoàn kết trong công việc. Đồng thời, sắp xếp lại các công việc, chọn lựa các công việc cấp thiết cần giải quyết trước. Phân công đúng người, đúng việc. Qua đó đã giảm bớt áp lực cho đội ngũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.