Đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, mức độ phân hóa cao

GD&TĐ - Nội dung đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, mức độ phân hóa rõ ràng, đáp ứng việc xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng… Đó là những đánh giá của các giáo viên về đề thi minh họa năm 2018.

Đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, mức độ phân hóa cao

Đề thi môn Ngữ văn: Nằm trong chuẩn kiến thức kỹ năng, đảm bảo tiêu chí xét tốt nghiệp THPT và phù hợp với việc xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng

Cô Phạm Thị Giang, Hiệu trưởng Trường THPT Nho Quan B (Ninh Bình) cho biết: Đề minh họa môn Ngữ văn mà Bộ GD&ĐT đưa ra về nội dung và hình thức rất rõ ràng, tường minh, ngắn gọn bảo đảm tính khoa học và có tính giáo dục. Đề thi nằm trong chương trình sách giáo khoa, phù hợp theo chuẩn kiến thức kỹ năng.

Cụ thể phần Đọc hiểu (3 điểm) yêu cầu học sinh phải biết vận dụng kiến thức kỹ năng về văn bản. Đó là các phương thức biểu đạt, các biện pháp nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ, thao tác nghị luận… để trả lời theo các câu hỏi nhỏ.

Các em phải biết cách trình bày quan điểm riêng của mình, nêu bật được vấn đề và giải thích điều đó. Tuy đoạn văn bản không nằm trong phạm vi sách giáo khoa, nhưng kiểu câu hỏi này khá quen thuộc với học sinh.

Trong chương trình Ngữ văn THPT học sinh đều được luyện tập các kỹ năng này. Vì vậy, các em sẽ không bất ngờ, tuy nhiên sẽ không nhiều học sinh đạt mức điểm tối đa là 3 điểm.

Phần Làm văn có hai câu hỏi. Với câu số 1 (2 điểm), có sự liên kết với phần Đọc hiểu nên sẽ tạo điều kiện cho học sinh triển khai bài viết thuận lợi hơn.

Với câu số hai: Yêu cầu học sinh nêu lên cảm nhận của mình về hai hình tượng nhân vật: Người lái đò (trong Người lái đò sông Đà) và nhân vật Huấn Cao (trong Chữ người tử tù). Để giải quyết tốt câu hỏi này, học sinh cần nắm vững kiến thức về tác giả Nguyễn Tuân trên cơ sở hai tác phẩm: Người lái đò sông Đà và Chữ người tử tù với hai hình tượng nhân vật chính. Từ đó người viết phải biết vận dụng nội dung kiến thức đã học để so sánh liên hệ với mỗi vẻ đẹp của từng nhân vật và đưa ra quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người.

Theo cô Phạm Thị Giang, câu hỏi này có tính phân hóa cao, tạo điều kiện đối với việc xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Xét trên bình diện tổng thể đề minh họa môn Ngữ văn đảm bảo việc kiểm tra theo chuẩn kiến thức kỹ năng phù hợp với tiêu chí của Kỳ thi THPT quốc gia.

Học sinh khá giỏi có thể hoàn thành tốt đáp ứng việc phân loại đầu giỏi. Nhưng đối với việc phân loại học sinh trung bình và yếu ở đề này sẽ hạn chế hơn. Thời gian làm bài hơi ngắn so với yêu cầu đề ra.

Đề thi môn Hóa học: Đảm bảo tính đa dạng với nhiều hình thức câu hỏi ở các mức độ khác nhau.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan (giáo viên giảng dạy bộ môn Hóa học - Trường THPT Việt Đức - Hà Nội) cho biết: Nhìn chung Đề thi tham khảo THPT quốc gia 2018 môn Hóa học mà Bộ GD&ĐT đưa ra khá hay, đáp ứng được các yêu cầu đánh giá năng lực, trình độ và phân loại được học sinh.

Đề thi minh họa năm 2018 có ưu điểm tích cực: Bao hàm đầy đủ các nội dung, thuộc chuẩn kiến thức và kĩ năng, đáp ứng yêu cầu đánh giá theo các tiêu chí về năng lực.

Đảm bảo cấu trúc và nội dung mà Bộ GD&ĐT đã công bố về đề thi 2018. Tỉ lệ lí thuyết và bài tập: 60% - 40%. Trọng tâm chủ yếu là kiến thức lớp 12. Kiến thức lớp 11: Vừa phải, ở mức độ nhận biết và thông hiểu, không tạo thêm áp lực cho HS khi phải ôn tập kiến thức lớp 11. Điều này phù hợp với lộ trình dự kiến của Bộ GD&ĐT về đề thi THPT.

Về hình thức: Đảm bảo tính đa dạng của đề thi với nhiều hình thức câu hỏi ở các mức độ khác nhau. Có câu hỏi về chuỗi phản ứng, có hình vẽ thí nghiệm, có biểu diễn số liệu dạng biểu đồ, có bảng dữ liệu thực nghiệm, câu hỏi đếm….

Mức độ phân hóa cao với các nhóm câu hỏi khác nhau. Với số lượng câu hỏi của đề thi như vậy thì thời gian cho học sinh làm bài là phù hợp. Đề có tính phân loại cao, từ câu số 12 đã có bước vận dụng thấp. Từ câu 18 ở mức vận dụng và từ câu 73 ở mức vận dụng cao. Với đề thi này HS trung bình đạt từ: 4 - 5 điểm. HS khá từ 7 - 8 điểm.

Học sinh rất khó để đạt mức độ 9 - 10 điểm. Vì vậy, đề thi vừa đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp THPT, vừa là căn cứ để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, hạn chế của đề thi là 2 sơ đồ phản ứng đều thuộc phần vô cơ. Nên đổi thành một sơ đồ thuộc phần hữu cơ và một sơ đồ thuộc phần vô cơ thì hợp lý hơn. Câu hỏi hình vẽ thí nghiệm có đáp án nằm trong chương trình lớp 10.

Đề thi môn Sinh học: Đánh giá được năng lực học sinh ở các mức độ khác nhau

Cô Nguyễn Thị Hoài Thương, giáo viên giảng dạy môn Sinh học Trường THPT Nho Quan B tỉnh Ninh Bình đánh giá: Đề thi đáp ứng chuẩn kiến thức chung. Đề nằm trong chương trình 11 và 12. Trong đó lớp 11 chỉ chiếm khoảng 20% chủ yếu phần nhận biết, thông hiểu nhưng phân bố hầu khắp các chuyên đề. Phần kiến thức Sinh 12 vẫn đảm bảo đủ các chuyên đề giống đề 2017. Lý thuyết chiếm khoảng 60% đề và bài tập là 40%. So với thời gian 50 phút khá hợp lý.

Độ khó hơn hẳn đề THPT 2017, về tần suất câu khó khoảng 25%, bên cạnh đó mức độ khó của các câu vận dụng cao cũng cao hơn đề 2017. Đối với HS trung bình khó có thể làm các câu hỏi mang tính vận dụng. Các câu hỏi nhận biết thông hiểu cũng yêu cầu học sinh nắm chắc kiến thức SGK mới làm được các loại câu hỏi này.

Theo cô Thu Hằng - Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Việt Đức (Hà Nội): Đề nghị luận văn học có yêu cầu tích hợp với chương trình lớp 11, trong đó có yêu cầu nâng cao nhằm mục đích phân loại học sinh. Yêu cầu nâng cao được nêu rõ trong đề. Tuy nhiên để giải quyết được yêu cầu nâng cao, học sinh phải phân tích khái quát vẻ đẹp nhân vật Huấn Cao. Nhìn chung đề nghị luận văn học hơi dài. Học sinh phải có khả năng khái quát và tổng hợp tốt thì mới hoàn thành bài viết kịp thời gian.

Đánh giá chung: Đề vừa sức, có khả năng phân loại học sinh. Với đề này, học sinh đạt 6 - 7 điểm không khó, nhưng không dễ đạt điểm giỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Củng cố liên thủ ba bên

GD&TĐ - Tổng thống Mỹ Joe Biden đầy tự tin cho rằng để lại cho người kế nhiệm di sản hùng mạnh hơn trước về mọi phương diện.