Đảm bảo chất lượng hướng đến việc nâng tầm hệ thống, khẳng định vị thế dẫn đầu

GD&TĐ - Nâng tầm hệ thống, nâng cao chất lượng đào tạo luôn là thách thức của hệ thống GDĐH nói chung và của bất cứ đơn vị, tập đoàn giáo dục nói riêng khác. Việc Tập đoàn Giáo dục giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) thành lập Ban đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐBCLGD) trong hệ thống của mình đã và đang mang đến nhiều hiệu ứng tích cực trong ngành.

TS. Vũ Thị Phương Anh- Giám đốc ĐBCLGD, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng
TS. Vũ Thị Phương Anh- Giám đốc ĐBCLGD, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng

Báo Giáo dục & Thời đại đã có những trao đổi với TS. Vũ Thị Phương Anh- Giám đốc ĐBCLGD, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng về những thách thức và chiến lược nâng tầm chất lượng trong hệ thống giáo dục NHG.

PV: TS có thể cho biết tầm quan trọng của việc ĐBCL trong giáo dục?

TS Vũ Thị Phương Anh: "Đảm bảo chất lượng" vốn là một khái niệm xuất phát từ lĩnh vực sản xuất và được áp dụng sang các lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ, trong đó có giáo dục. Khái niệm này vốn được dùng để chỉ các hoạt động nhằm giúp nhà sản xuất/kinh doanh thực hiện cam kết với "khách hàng" về chất lượng sản phẩm/dịch vụ của mình.

Trong lĩnh vực giáo dục, "sản phẩm" và "dịch vụ" chính là chương trình giáo dục/đào tạo và người học. Cùng với sự phát triển về nhu cầu học tập, việc đảm bảo chất lượng giáo dục ngày càng trở nên quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các trường.

Việc đạt kiểm định theo một bộ tiêu chuẩn chất lượng phù hợp bởi một tổ chức có uy tín là kết quả và bằng chứng của quá trình đảm bảo chất lượng của trường. Ở một số nước tiên tiến Âu - Mỹ, việc không được kiểm định bởi một tổ chức uy tín hầu như đồng nghĩa với việc phải đóng cửa nhà trường vì rất khó thu hút được người học.

Mặt khác, đối với các cơ sở giáo dục tư nhân, việc đạt kiểm định còn là sự thể hiện trách nhiệm của nhà trường đối với "khách hàng" và các bên liên quan khác là gia đình, nhà tuyển dụng lao động sử dụng người tốt nghiệp, và toàn xã hội.

NHG có hệ thống đào tạo giáo dục từ bậc mầm non cho đến Tiến sĩ
 NHG có hệ thống đào tạo giáo dục từ bậc mầm non cho đến Tiến sĩ

PV: Đặc điểm của hệ thống ĐBCLGD của NHG và sự phối hợp giữa Ban và Hội đồng ĐBCLGD ra sao?

TS Vũ Thị Phương Anh: Trường là chủ thể tạo ra chất lượng; tập đoàn đóng vai xác định chủ trương, phương hướng, cung cấp đầy đủ nguồn lực và điều kiện cho các trường và thực hiện giám sát, hỗ trợ, huấn luyện và đánh giá hiệu quả.

Ban ĐBCLGD là bộ phận giúp việc cho lãnh đạo tập đoàn trong mọi công việc liên quan đến ĐBCLGD, còn hội đồng là cơ chế tham mưu và phản hồi, để bảo đảm các quyết định của lãnh đạo tập đoàn là đúng đắn.

Với tư cách là một chuyên gia tham gia vào công tác đảm bảo chất lượng giáo dục tại VN từ những ngày đầu tiên, tôi cho rằng một hệ thống ĐBCLGD như vừa được thiết lập tại NHG thể hiện một tầm nhìn xa, một quan điểm tiên tiến về vai trò của công tác đảm bảo chất lượng, và chắc chắn sẽ có tác dụng tốt đối với toàn hệ thống. 

PV: Đâu sẽ là thách thức trong việc ĐBCLGD tại hệ thống giáo dục NHG, thưa bà?

TS Vũ Thị Phương Anh: Việc thành lập Ban ĐBCLGD và Hội đồng ĐBCLGD nằm trong nỗ lực xây dựng hệ thống ĐBCLGD tại Tập đoàn Nguyễn Hoàng và thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của những nhà đầu tư trong việc thực hiện tầm nhìn của mình là "khẳng định vị thế số một trong hệ thống giáo dục tư thục tại VN".

Tuy nhiên, đảm bảo chất lượng giáo dục tại NHG là một việc làm đầy thách thức vì NHG là một hệ thống đa dạng, phức tạp và lại đang phát triển rất nhiều, có nhiều loại hình trường khác nhau trải dài từ mầm non đến tiến sĩ, nhắm vào các phân khúc khác nhau trong thị trường giáo dục (phân khúc trung bình, phân khúc cao và phân khúc đẳng cấp quốc tế).

Vì vậy, không thể có một quy định, quy trình hoặc biểu mẫu chung cho tất cả các trường, mà đòi hỏi phải có sự hiểu rõ đặc điểm của các trường và một cơ chế linh hoạt để không làm mất sự đa dạng của các trường mà vẫn tuân thủ những nguyên tắc cơ bản và đạt được mục tiêu chung.

Học sinh THPT đang theo học tại hệ thống của NHG
 Học sinh THPT đang theo học tại hệ thống của NHG

PV: Theo bà, làm thế nào để có thể đảm bảo chất lượng giáo dục ở từng đơn vị trường, đặc biệt là các trường được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế?

TS Vũ Thị Phương Anh: Đảm bảo chất lượng ở các cấp học khác nhau đều theo cùng một nguyên tắc và quy trình, và đa số các tiêu chuẩn liên quan đến điều hành và quản lý nhà trường. Sự khác biệt trong các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chủ yếu do sự khác biệt về mục tiêu giáo dục ở các cấp khác nhau.

Cụ thể, ở mầm non và tiểu học vì là trẻ em chưa phát triển đầy đủ nên mục tiêu giáo dục chú trọng phát triển thể lực và tâm sinh lý của học trò để các em phát triển toàn diện về tâm thể mỹ. Vì vậy, đảm bảo chất lượng sẽ chú trọng điều kiện cơ sở vật chất, ánh sáng, cây xanh, an toàn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe...

Chương trình giáo dục cần phải có nhiều hoạt động để trẻ em được phát triển toàn diện trong và ngoài lớp học, các cháu được vận động, vui chơi, ca hát, vẽ, kể chuyện, chăm sóc cây xanh...chứ không thể chấp nhận trẻ em tiểu học đi học mà mang cặp rất nặng và bài tập rất nhiều đến độ gù lưng, cận thị

Trong khi đó, ở trung học, nội dung của chương trình giáo dục thiên về việc phát triển trí tuệ và kỹ năng. Đảm bảo chất lượng ở đại học thì nặng về đào tạo nghề nghiệp hơn.

Để làm tốt thì cần có một số điều kiện mà quan trọng nhất là việc thường xuyên thu thập thông tin về mọi mặt hoạt động của nhà trường, thường xuyên rà soát, tự đánh giá và điều chỉnh các hoạt động theo những tiêu chí và chuẩn mực đã chọn.

Đó việc làm cần thiết, có ý nghĩa nhưng nặng nhọc, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khách quan, công tâm và không ngại đụng chạm nên không mấy hấp dẫn đối với nhiều người. Do vậy, mảng đảm bảo chất lượng giáo dục hiện nay thực sự không dễ kiểm vì phải thực sự yêu thích công việc và có tâm đối với giáo dục thì mới làm tốt được.

PV; Xin cảm ơn bà!

TS. Vũ Thị Phương Anh được xem là một chuyên gia đầu ngành tham gia vào công tác ĐBLGD tại Việt Nam từ những ngày đầu tiên. Bà là Tiến sĩ Đo lường và Đánh giá giáo dục tại ĐH La Trobe, Úc (1998), bắt đầu giảng dạy từ năm 1983 và có nhiều năm giữ vị trí quản lý trong các trường đại học.
Bà từng giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng thuộc ĐHQG TP.HCM và hiện đang là Ủy viên Ban chấp hành Phân hội Giảng dạy tiếng Anh Việt Nam (Viet Tesol Association, VTA).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.