Đảm bảo an ninh hàng không phục vụ SEA Games 31

GD&TĐ - Để đảm bảo an ninh hàng không phục vụ SEA Games 31, ACV có trách nhiệm chỉ đạo các cảng hàng không đặc biệt là Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cát Bi xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết vừa lên kế hoạch bảo đảm an ninh hàng không, trật tự xã hội và công tác đón, tiễn khách, vận động viên tại các cảng hàng không, sân bay phục vụ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31).

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có trách nhiệm chỉ đạo các cảng hàng không đặc biệt là Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cát Bi xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự; thường xuyên cập nhật các chỉ đạo, thông báo của Tiểu ban An ninh và các cơ quan chức năng về việc bảo đảm an ninh, trật tự cho các đoàn đại biểu tại các cảng hàng không, sân bay.

Cục Hàng không Việt Nam cũng chỉ rõ các biện pháp như tăng cường tuần tra, canh gác, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hành khách, hành lý, hàng hóa, đồ vật đưa vào khu vực hạn chế, cách ly, đưa lên tàu bay và việc ra, vào các khu vực hạn chế của người, phương tiện, đồ vật; lập phương án canh gác, bảo vệ tàu bay chuyên dụng chở các đoàn khách, vận động viên tham dự Đại hội; kết hợp việc tuần tra, canh gác, kiểm soát trọng điểm khu vực tàu bay đậu, khu vực các đoàn khách, vận động viên di chuyển trong nội cảng hàng không, sân bay.

ACV cũng cần phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Tiểu ban Lễ tân-Khánh tiết và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng quy trình đón, tiễn, lộ trình di chuyển của phương tiện đón, tiễn tại cảng hàng không, sân bay.

Tổ chức kiểm tra, soi chiếu đối với thành viên các đoàn khách, người, phương tiện đón tiễn, hành lý, hàng hóa, đồ vật của các đoàn khách khi qua nhà khách VIP, VIP B nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, sân đỗ tàu bay đúng quy trình, bảo đảm an ninh, an toàn.

Phối hợp với các lực lượng công an, đơn vị liên quan trên địa bàn triển khai phương án an ninh, an toàn, tình huống khẩn nguy, phòng chống khủng bố, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các cảng hàng không, sân bay phục vụ đại hội; phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát vũ khí, công cụ hỗ trợ của Cảnh vệ nước ngoài, các đoàn vận động viên được phép mang vào, mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

ACV cũng có trách nhiệm phân công bố trí, sắp xếp vị trí dành riêng cho các phương tiện chờ đón, tiễn các đoàn khách, các đoàn vận động viên tại khu vực sân đỗ ôtô, nhà khách A, sân đỗ tàu bay, khu vực trước Nhà ga hành khách; bố trí lực lượng, phương tiện thích hợp, mở lối đi riêng đảm bảo phục vụ được thuận tiện trong công tác kiểm tra an ninh hàng không đối với các đoàn đại biểu cấp cao, các đoàn vận động viên.

Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tổ chức kiểm tra, rà soát các đối tượng nghi vấn, có tiền án, tiền sự, các đối tượng cò mồi đang hoạt động tại cảng hàng không và có kế hoạch phối hợp cưỡng chế, đẩy đuổi các đối tượng nói trên ra khỏi khu vực cảng hàng không; tổ chức phối hợp tuần tra, bảo vệ khu vực vành đai, lân cận cảng hàng không.

ACV cũng cần chuẩn bị bố trí tàu bay chuyên cơ (nếu có), tàu bay chở các đoàn vận động viên đỗ tại các vị trí thuận tiện cho việc đón tiếp, đồng thời đảm bảo các yêu cầu về kiểm tra, giám sát an ninh, canh gác bảo vệ tàu bay; khi chuyên cơ nước ngoài đỗ qua đêm, bố trí lực lượng an ninh canh gác, tăng cường công tác tuần tra, giám sát vào ban đêm.

Phía Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu thực hiện nghiêm Quy chế an ninh hàng không; rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó không lưu, phương án điều hành tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp; thường xuyên cập nhật thông tin về các chuyến bay đến, đi của các đoàn đại biểu, các đoàn vận động viên để có kế hoạch phục vụ bảo đảm an ninh, an toàn, thuận tiện.

VATM cũng có trách nhiệm chỉ đạo bố trí kiểm soát viên không lưu có phẩm chất đạo đức tốt, chấp hành kỷ luật nghiêm thực hiện nhiệm vụ đối với các chuyến bay chuyên cơ.

Rà soát, kiểm tra tình trạng kĩ thuật của các trang thiết bị phục vụ điều hành bay, bao gồm cả các trang thiết bị dự phòng; đảm bảo các hệ thống trang thiết bị phục vụ điều hành bay trong điều kiện hoạt động ổn định, phục vụ tốt cho công tác điều hành bay; hoàn thiện các phương án phòng ngừa, xử lý tình huống bị tấn công, can thiệp vào hệ thống thông tin chuyên ngành hàng không của đơn vị.

Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời trao đổi thông tin, tình hình nguy cơ đe dọa an ninh hàng không để có đánh giá rủi ro, kịp thời áp dụng biện pháp giảm thiểu phù hợp...

Với các hãng hàng không Việt Nam, ngoài việc xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn phục vụ SEA Games 31, các hãng cũng cần phối hợp chặt chẽ với cảng hàng không, cảng vụ hàng không, các đơn vị lễ tân liên quan tổ chức phục vụ, làm thủ tục hàng không bảo đảm an ninh, an toàn, thuận tiện cho việc đi, đến, đón tiễn các đoàn khách, đoàn vận động viên theo quy định; cập nhật thông tin về các chuyến bay đến, đi của các đoàn do hãng phục vụ.

Trước 5 ngày, sau 5 ngày và trong thời gian diễn ra SEA Games 31, các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cát Bi, Vân Đồn, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu VATM, các hãng hàng không Việt Nam, các cảng vụ hàng không thực hiện việc báo cáo định kỳ hàng ngày công tác bảo đảm an ninh hàng không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ