Chiều 7/8, tại huyện Ea Súp và huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) vẫn còn một số xã bị cô lập, nhiều tuyến giao thông bị ngập gây ách tắc.
Trong đó, tỉnh lộ 1 nối liền 2 huyện bị nước ngập từ 1 đến 2 mét khiến phương tiện giao thông không thể lưu thông.
Tại địa bàn các xã như Ia Lốp, Ia Jlơi, Ea Rốk, Cư Mlan (huyện Ea Súp) và xã Ea Huar, Ea Wer (huyện Buôn Đôn) nhà cửa cùng hàng nghìn hécta hoa màu của người dân bị ngập sâu. Nước lên nhanh trong đêm khiến nhiều nhà dân hốt hoảng chạy lũ.
Ông Tăng (ngoài cùng bên phải) buồn rầu khi ao cá và lúa của gia đình bị nước nhấn chìm. |
Nhìn dòng nước dữ trước nhà, bà Nguyễn Thị Hồng (trú tại xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại, vào khoảng 20 tối 6/8, khi gia đình bà đang xem tivi thì trời bắt đầu mưa lớn.
Chỉ sau đó khoảng 2 tiếng nước dâng lên cao và chảy vào nhà. Lúc này gia đình bà kê đồ đạc lên cao để khỏi ướt. Tuy nhiên chỉ khoảng 20 phút sau nước vẫn không có dấu hiệu giảm.
"Gia đình tôi vơ vài bộ quần áo, mang những đồ giá trị theo rồi chạy đến nhà trên cao xin ở nhờ. Sáng nay trở về thì đàn gia súc, gia cầm hơn 100 con đã bị nước nhấn chìm", bà Hồng nghẹn ngào nói.
Ông Lương Sỹ Tăng (64 tuổi, ngụ xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) cho biết, chiều qua tại khu vực nhà ông đã xuất hiện cơn mưa lớn kéo dài đến sáng nay.
Khoảng 5 giờ sáng nay khi đang ngủ ông phát hiện nước ngập vào trong nhà. Gia đình ông vội dậy để thu gom đồ đạc.
"Đồ đạc trong nhà thì không bị sao nhưng ao cá gia đình chuẩn bị thu hoạch bị nước cuốn trôi cả rồi. Hơn 1ha lúa của nhà tôi cũng bị nước nhấn chìm. Ước tính thiệt hại của gia đình tôi là hơn 100 triệu đồng", ông Tăng buồn rầu nói.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Bí thư huyện ủy Ea Súp cho biết, hiện tại lực lượng chức năng của huyện đã dùng ca nô đưa người người dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Ngoài ra huyện cũng bố trí chỗ ăn ở, lương thực thực phẩm cho người dân ăn ở tạm.
Đến chiều nay, theo thống kê trên địa bàn huyện đã có hơn 6.000ha cây trồng các loại bị nước nhấn chìm, 585 căn nhà bị ngập, 167 con gia súc và 1.211 con gia cầm bị chết. Hiện vẫn còn 4 xã với hơn 30.000 hộ dân đang bị cô lập, giao thông không thể đi lại. Không có thiệt hại về người.
Nước ngập sâu khiến nhiều nhà dân bị cô lập. |
Ông Nguyễn Như Bút, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết, đến chiều nay nước đã rút ở một số khu vực, tuyến giao thông tỉnh lộ 1 đi qua huyện và một số xã đã tạm thời lưu thông được.
Một số hộ dân ven sông SêrêPốk vẫn bị cô lập do đường vào ngập.
Theo thống kê của UBND huyện Buôn Đôn, mưa gió kéo dài trong 2 ngày khiến nhiều xã bị ngập lụt cục bộ. Trong đó, một số hộ dân, các công trình công cộng và cây cối hoa màu bị ngập.
Xã Ea Bar, 6 căn nhà và 27 ha lúa bị ngập nước. Trong đó hư hỏng hoàn toàn 1,5 ha lúa.
Xã Ea Wer có 105 hộ căn nhà bị ngập nước, 50 ha lúa bị hư hỏng.
Xã Ea Huar mưa lũ làm ngập 34 hộ căn nhà; cuốn trôi 30 con heo, 150 thùng ong nuôi lấy mật; 0,95 ha ao cá bị cuốn trôi; 85 ha bắp sắp thu bị đỗ ngã, 65 ha lúa và 135 ha mỳ bị ngập nước. Gia cầm bị cuốn trôi chết 1.500 con.
Theo Trung tâm dự báo thủy văn trung ương, vào lúc 17 giờ chiều 7/8, mực nước tại trạm Bản Đôn (Đắk Lắk) là 175,7m, trên mức báo động 3 là 0,7m (thủy điện Srêpôk 3 đang xả với lưu lượng là 395 m3/s); tại Đức Xuyên (Đắk Nông) 425,24m, đang dưới báo động 1.
Lũ trên sông Sêrêpôk sẽ tiếp tục lên nhanh. Tối và đêm nay (7/8), mực nước trên sông Srêpôk tại trạm Bản Đôn sẽ lên mức 176,8m, trên báo động 3 là 1,8m (dự kiến xả của thủy điện Sêrêpôk 3 với lưu lượng là 400m3/s), sau còn dao động ở mức cao; tại trạm Đức Xuyên ở mức báo động 1.
Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng như Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp, Buôn Ma Thuột… (Đắk Lắk); Đắk R’lấp, Krông Nô, Cư Jut… (Đắk Nông). Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn khuyến cáo các địa phương Đắk Lắk và Đắk Nông đề phỏng mưa lũ gây ảnh hưởng đến an toàn các hồ đập trên địa bàn, nhất là các hồ chứa vừa và nhỏ.