Đắk Lắk sẽ tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học 2023-2024

GD&TĐ - Sáng 23/8, tại TP Buôn Ma Thuột, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.

Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa phát biểu kết luận Hội nghị.
Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa phát biểu kết luận Hội nghị.

Bà H’ Yim Kđoh – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị. Ông Phạm Đăng Khoa – Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở GD&ĐT chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; lãnh đạo Ban Văn hoá – Xã hội, HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Năm học 2021-2022 vừa qua, Đắk Lắk là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong đó TP Buôn Ma Thuột trở thành địa phương cuối cùng trên cả nước mở cửa cho học sinh trở lại học tập trực tiếp từ cuối tháng 4/2022 (học sinh học online đến 8 tháng - PV). Tuy nhiên, ngành GD&ĐT tỉnh đã nỗ lực hoàn thành “nhiệm vụ kép”, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19; hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm học 2021-2022.

Ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT trình bày báo cáo tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ 2022-2023.

Ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT trình bày báo cáo tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ 2022-2023.

Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được chú trọng, nâng cao. Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn đã được khẳng định với nhiều kết quả nổi bật, tiếp tục dẫn đầu các tỉnh trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên về thành tích học sinh giỏi THPT cấp quốc gia (năm thứ 5 liên tiếp); đạt thành tích cao tại các cuộc thi, hội thi cấp quốc gia khác. Toàn ngành đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; duy trì và phát triển chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về lĩnh vực giáo dục…

Bà Mai Thị Hồng Hà - Trưởng phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột báo cáo tham luận tại Hội nghị.

Bà Mai Thị Hồng Hà - Trưởng phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột báo cáo tham luận tại Hội nghị.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện Kế hoạch thời gian năm học và các hoạt động giáo dục của các địa phương trong tỉnh. Địa bàn rộng, có nhiều điểm trường lẻ ở cấp mầm non và tiểu học, dẫn đến khó khăn trong việc sắp xếp, xóa bỏ các điểm trường.

Việc tổ chức dạy học trực tuyến ở một số địa phương, đơn vị còn nhiều khó khăn do thiếu điều kiện về việc phủ sóng internet, nền tảng ứng dụng học trực truyến và học sinh thiếu phương tiện học trực tuyến. Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa khắc phục triệt để, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018...

Ông Huỳnh Viết Trung - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Krông Bông tham gia thảo luận tại Hội nghị.

Ông Huỳnh Viết Trung - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Krông Bông tham gia thảo luận tại Hội nghị.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong năm học mới 2022-2023 với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD&ĐT”, ngành GD&ĐT tỉnh đề ra các chỉ tiêu: phấn đấu đến cuối năm 2022, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 56% và cuối năm 2023 đạt 58%; tỷ lệ thôn, buôn có trường, lớp mẫu giáo đạt 100%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 72% vào cuối năm 2022 và đạt 74% vào cuối năm 2023...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh ghi nhận và biểu dương những thành tích mà ngành GD tỉnh đã đạt được trong năm học qua. Đồng thời nhấn mạnh, trong năm học mới 2022 – 2023, ngành GD&ĐT cần chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hoàn thành chương trình năm học đúng kế hoạch; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tiếp tục thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học; tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 bảo đảm chất lượng và hiệu quả; tập trung chỉ đạo, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn; tiếp tục nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo, mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, đặc biệt là dịch Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng; tăng cường tuyên truyền, vận động phụ huynh đồng ý cho con em tiêm vắc xin phòng Covid-19; thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị trường học nếu để xảy ra tình trạng vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh…

Sau khi nghe ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và ý kiến tham luận, thảo luận tại Hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo các cấp cùng toàn thể đội ngũ CBCCVC và người lao động ngành GD tỉnh đã không ngừng nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm học 2021-2022.

"Trong năm học 2022-2023, toàn ngành cần tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Bộ GD&ĐT đã đề ra. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trường học cần thực hiện tinh thần 'nêu gương' trong mọi hoạt động; xây dựng khối đoàn kết nội bộ, phát huy tinh thần dân chủ; tăng cường công tác chuyển đổi số; tăng cường công tác truyền thông, nhất là truyền thông nội bộ để tạo sự đồng thuận trong toàn ngành ...

Đặc biệt, để bảo đảm công tác phân luồng sau THCS và hướng nghiệp đạt hiệu quả, Sở GD&ĐT Đắk Lắk sẽ tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 cấp THPT cho tất các các trường từ năm học 2023-2024. (hiện nay, Sở mới chỉ tổ chức thi tuyển vào lớp 10 đối với 3 trường THPT chuyên biệt. Các trường THPT còn lại đều tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển). Đây cũng là giải pháp nhằm bảo đảm các trường THPT tuyển sinh tối đa 75% học sinh đã tốt nghiệp lớp 9 trên địa bàn", ông Khoa thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.