Hiến máu cứu người là hoạt động thường xuyên của ngành Giáo dục Đắk Lắk

GD&TĐ -Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, luôn được ngành GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk duy trì và trở thành hoạt động thường xuyên trong phong trào thi đua của ngành.

Người lao động tại Đắk Lắk nhiệt tình tham gia hiến máu tình nguyện năm 2022.
Người lao động tại Đắk Lắk nhiệt tình tham gia hiến máu tình nguyện năm 2022.

Sẽ vận động hiến máu riêng trong ngành Giáo dục

Ngày 3/8, hơn 70 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT cùng với hàng trăm người dân tại thành phố Buôn Ma Thuột đã nhiệt tình tham gia hiến máu tình nguyện đợt 1, năm 2022. Số lượng máu tiếp nhận đợt này sẽ góp phần duy trì ngân hàng máu ở các bệnh viện, giúp cứu chữa kịp thời cho các bệnh nhân.

Đợt này, ngành GD-ĐT được phân bổ 60 người. Tuy nhiên, đã có 77 người đăng ký tham gia. Trong đó, người lao động tại cơ quan Sở GD&ĐT là 15/10 người tham gia.

Ông Nguyễn Hoàng Chương, Chủ tịch Công đoàn cơ quan Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, thực hiện lời kêu gọi của Công đoàn ngành GD tỉnh, hằng năm Công đoàn cơ quan Sở luôn vượt chỉ tiêu về hiến máu tình nguyện.

“Không chỉ lần này, mà mấy năm gần đây, ngoài việc thường xuyên vượt chỉ tiêu giao, đội ngũ cán bộ đang công tác tại cơ quan Sở GD&ĐT còn tham gia hiến máu trực tiếp tại các bệnh viện khi có lời kêu gọi hỗ trợ từ các gia đình người bệnh hoặc từ các câu lạc bộ hiến máu trên địa bàn”, ông Chương thông tin.

Cũng theo ông Chương, hiện nay các phòng ban của Sở đang triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm cho năm học mới 2022 - 2023, hầu như tuần nào cũng có các đợt tập huấn, hội nghị… Tuy nhiên, với tinh thần nhân ái cao đẹp, chúng tôi luôn động viên nhau sắp xếp thời gian để tham gia hiến máu với số lượng cao nhất.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lưu Tiến Quang, Chủ tịch Công đoàn ngành GD Đắk Lắk cho biết, trong những năm qua, đội ngũ nhà giáo và người lao động của ngành GD Đắk Lắk luôn sát cánh với các hoạt động thiện nguyện, nhân ái do cấp trên phát động.

“Cho đi là còn mãi”

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk, kết quả đợt hiến máu tình nguyện, có 584 người lao động tham gia, trong đó có 77 lao động thuộc ngành GD-ĐT; Thu được 644 đơn vị máu.

Mặc dù đã hơn 50 tuổi, nhưng Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Thái Thị Mỹ Bình vẫn hăng hái đăng ký tham gia hiến máu với tâm niệm: “Cho đi là còn mãi. Khi còn cho được, chứng tỏ mình vẫn còn có sức khoẻ để phục vụ sự nghiệp giáo dục”.

Còn cô giáo Trần Thị Cẩm Châu, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột) thì hồ hởi khoe: “Đây là lần thứ 2 mình tham gia hiến máu tình nguyện. Mình vui khi đã “vượt qua” nhiều người để được hiến máu. Do nhiều thầy cô đăng ký tham gia mà số lượng giao lại quá ít”.

Là gương mặt “quen thuộc” của các đợt hiến máu tình nguyện (gần 10 lần), nhưng khi được hỏi, thầy Phạm Tiến Hải, Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở GD&ĐT lại hết sức khiêm tốn: “Hiến máu cứu người là việc cần làm để giúp đỡ những bệnh nhân vượt qua bạo bệnh”.

Riêng cô Krông Ái Hương Lan thì tâm sự: "Từng là thân nhân đi chăm sóc người nhà tại các bệnh viện, tôi đã chứng kiến rất nhiều em nhỏ mắc chứng bệnh thiếu máu Thalassemia mắc nhiều bệnh lý nếu không được truyền máu đầy đủ. Rồi các trường hợp bị tai nạn giao thông đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi được truyền đúng nhóm máu tương thích một cách kịp thời.

Với hy vọng có thể đóng góp vào nguồn máu dự trữ để phục vụ cho công tác cấp cứu, cứu chữa người bệnh, bản thân tôi đã tham gia hiến máu tình nguyện 7 lần qua các đợt vận động của cơ quan, Công đoàn ngành cũng như các chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện khác.

Đối với tôi, hiến máu tình nguyện là hành động đẹp, việc làm nhân văn thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng mà mỗi CBCCNLĐ ngành GD trong đó có tôi luôn tham gia một cách tích cực nhất với thông điệp “Một giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...