Đắk Lắk: Nhiều cây xanh chết trong trường học được mua bằng tiền ngân sách

GD&TĐ - Sau gần 2 năm được chi tiền 450 triệu đồng từ ngân sách để trồng cây xanh phân tán ở trường học tại Đắk Lắk, đến nay rất nhiều cây bị chết.

30 cây xanh phân tán tại Trường THCS Bế Văn Đàn sau 2 năm giờ đang lay lắt chờ ngày thành "củi khô". (Ảnh: TT)
30 cây xanh phân tán tại Trường THCS Bế Văn Đàn sau 2 năm giờ đang lay lắt chờ ngày thành "củi khô". (Ảnh: TT)

Ngày 7/10, thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện Ea Súp (Đắk Lắk), số cây xanh bị chết nằm trong dự án trồng cây phân tán trường học chào mừng 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022).

Toàn bộ kinh phí 450 triệu do UBND huyện Ea Súp cấp và chuyển thẳng về trường tự mua, trồng và chăm sóc.

img-2729-6845.jpg
Số cây xanh còn sống cũng rất chậm phát triển dù thầy và trò tốn công chăm sóc. (Ảnh: TT)

Trước đó, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại trực tiếp ghi nhận thực tế tại các trường học trên địa bàn. Qua ghi nhận cho thấy, trong số 900 cây được Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cấp (từ nguồn ngân sách Nhà nước), đến nay phần lớn bị chết hoặc chậm phát triển.

Tại xã Cư M'lan, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng được cấp 15 triệu đồng để mua 30 cây xanh về trồng, hiện tại chỉ còn 4 cây sống (2 sao đen, 2 sấu), 26 cây còn lại đã chết.

htk-9861.jpg
Cây sao đen (gần nhất) sau 2 năm trồng tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng sống lay lắt. (Ảnh: TT)

Còn tại xã Cư K'bang, Trường mầm non xã này được cấp 10 triệu đồng mua, trồng mới 20 cây. Đến nay, có 6 cây đã chết, 14 cây còn lại cũng sống lay lắt.

Tương tự, Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Cư K'bang) cũng được cấp 10 triệu đồng để trồng 20 cây. Thế nhưng chỉ còn 9/20 cây sống nhưng rất chậm phát triển.

img-2719-9091.jpg
Hàng cây xanh sau 2 năm trồng tại Trường Tiểu học Kim Đồng. (Ảnh: TT)

Cũng tại xã Cư K'bang, Trường THCS Bế Văn Đàn được cấp 15 triệu đồng để trồng 30 cây xanh. Số cây sống còn sống chưa đến 10 và cũng đang lay lắt chờ ngày chung số phận với hơn 20 cây trước...

Đó là thực trạng của Chương trình trồng cây xanh phân tán theo phòng trào "ngành ngành trồng cây, nhà nhà trồng cây, người trồng cây" tại nhiều trường học thuộc UBND huyện Ea Súp.

a1-cay-xanh-5112.jpg
Ghi nhận của phóng viên Báo GD&TĐ tại Trường THCS Bế Văn Đàn, xã Cư K'bang. (Ảnh: HD)

Lý giải về việc này, thầy Lê Văn Ngân, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng cho rằng, Trường được cấp 30 cây, lúc đầu mới trồng thì rất đẹp, chỉ một thời gian cây cứ chết dần, chết mòn, hiện chỉ còn 5 cây sống.

"Có rất nhiều lý do dẫn đến cây bị chết hàng loạt như: Khí hậu khắc nghiệt, lúc trồng vào mùa khô nên rất nóng, có loại cây này cũng không hợp với thổ nhưỡng ở đây, hơn nữa kinh nghiệm chăm sóc cây không có", ông Ngân nói.

Còn theo thầy Lê Ngọc Quyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, nguyên nhân cây chết do không hợp thổ nhưỡng và trường không có ngân sách để trồng bù số cây đã chết.

"Trên cấp sao chúng tôi trồng vậy. Những cây đã chết trường không trồng bù được vì không có tiền. Giờ xã hội hóa phải ưu tiên cái khác cho dạy học", thầy Quyết nói.

Đại diện Trường Mầm non Cư K'bang và Trường THCS Bế Văn Đàn đều khẳng định, dù bỏ nhiều công sức chăm sóc như đào hố rộng, lót phân bò, tưới nước thường xuyên ... nhưng cây vẫn chết.

img-2704-4695.jpg
2 cây sao đen, sấu (ở giữa) chết khô trong khuôn viên Trường Mầm non Cư K'bang, Trường trồng bổ sung cây mới do phụ huynh tặng đang phát triển tốt. (Ảnh: TT)

Liên quan vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Khóa, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ea Súp cũng cho rằng: "Nguyên nhân cây chết có thể do không hợp thổ nhưỡng cùng với khí hậu Ea Súp rất nóng về mùa khô, ngập úng về mùa mưa.

Hiện Phòng GD&ĐT cho kiểm đếm, đánh giá chính xác số lượng cây chết; khuyến khích các trường thực hiện xã hội hóa để trồng bổ sung trên tinh thần tuyên truyền trước, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, giáo viên, phụ huynh để họ tự nguyện tham gia. Về chủng loại, các trường căn cứ điều kiện thực tế để lựa chọn loại phù hợp và nằm trong danh mục cây phân tán được trồng trong trường học", thầy Khóa nói.

Trước đó, tháng 11/2022, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp ký quyết định bổ sung dự toán chi ngân sách năm 2022 với số tiền 450 triệu đồng cho 45 trường học do UBND huyện Ea Súp quản lý trồng mới 900 cây xanh phân tán. Mỗi trường được cấp từ 2 triệu đến 15 triệu đồng.

Có 2 loại cây được lựa chọn là sao đen, sấu với mức giá 500 nghìn đồng/1 cây.

Đơn vị cung cấp: Cơ sở mộc mỹ nghệ - hoa kiểng Xuân Hảo, địa chỉ 21 Nguyễn Lương Bằng, TP Buôn Ma Thuột, do ông Nguyễn Xuân Hảo làm chủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

Cây hoa ban Tây Bắc