Thẳng thắn nhìn nhận quy hoạch cây xanh đô thị

GD&TĐ - Theo thống kê sơ bộ, bão số 3 đã khiến khoảng 24.807 cây của TP Hà Nội bị gãy đổ, bật gốc*.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Về lý thuyết, lý do là bởi sức gió của bão quá mạnh. Tuy nhiên, thực tế, còn nhiều vấn đề khác cần phải thẳng thắn nhìn nhận và làm rõ.

Các cây xanh bị gãy đổ, bật gốc do bão số 3 khá đa dạng về chủng loại. Có cả các loại cây mới trồng cách đây vài ba năm nhưng cũng có những cây có tuổi đời lên tới vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Điều đáng nói nữa là sau khi các cây này bị gãy đổ, bật gốc đã cho thấy bộ rễ rất nông, thậm chí có những cây còn nguyên cả vật liệu dùng để bọc bầu rễ.

Vậy nên vấn đề đặt ra ở đây là việc quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị, kỹ thuật trồng với cây mới và thực hiện duy tu, duy trì, chăm sóc với cả cây cũ và mới. Theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9257 : 2012, cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị được thiết kế quy hoạch gồm 3 loại là cây xanh công viên, cây xanh vườn hoa và cây xanh đường phố.

Cây xanh sử dụng công cộng phải được gắn kết chung với các loại cây sử dụng hạn chế, cây chuyên môn, và vành đai xanh ngoài đô thị thành một hệ thống hoàn chỉnh, liên tục.

Việc quy hoạch và trồng cây xanh sử dụng công cộng không được làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông, làm hư hại công trình kiến trúc, hạ tầng, kỹ thuật đô thị, không gây nguy hiểm tới người sử dụng và môi trường sống của cộng đồng.

Việc thiết kế cây xanh sử dụng công cộng đô thị phải phù hợp với từng loại và tổ chức không gian đô thị, góp phần cải thiện môi trường, phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao và mỹ quan đô thị.

Khi tổ chức hệ thống cây xanh sử dụng công cộng phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, điều kiện vệ sinh, bố cục không gian kiến trúc, quy mô, tính chất cũng như cơ sở kinh tế kỹ thuật, truyền thống tập quán cộng đồng của đô thị…

Như vậy, Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9257 : 2012 chỉ quy định chung, không cụ thể loại cây nào được trồng và loại nào không được trồng tại các đô thị. Cho nên, cũng dễ hiểu khi thời gian qua, tại Hà Nội, có khá nhiều chủng loại cây được trồng mới, trong đó có không ít loại bị dư luận phản đối, điển hình nhất là cây hoa sữa.

Không phải đến bây giờ việc xây dựng mạng lưới cây xanh hoàn chỉnh, phát huy tác dụng mới được đặt ra. Tuy nhiên, để có quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố; quy hoạch mạng lưới cây xanh cho từng quận, huyện, khu đô thị mới không phải là chuyện có thể sớm thực hiện.

Bởi cái khó hiện nay đó là nên trồng loài cây nào để phù hợp và giảm thiểu nguy cơ gây nguy hiểm trong đô thị, trường học vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, điều có thể làm ngay đó là trước khi trồng một loại cây nào đó, nhất là các loại cây mới, các cơ quan chức năng nên tham vấn ý kiến chuyên gia, đơn vị có chuyên môn.

Bên cạnh đó, trước khi trồng cần tổ chức khảo sát kỹ lưỡng các yếu tố như đất đai, diện tích, khoảng không gian của từng địa điểm. Các tiêu chí lựa chọn cây trồng trong đô thị như bảo đảm không gian cảnh quan; đặc trưng văn hóa của từng tuyến phố; đặc trưng sinh học của từng loài cây cũng phải được quan tâm thỏa đáng.

Với khoảng 75 nghìn cây thuộc 175 loài, 55 họ thực vật, trong đó có 12 họ thực vật có từ 5 loài trở lên, Hà Nội được đánh giá là có hệ thống cây xanh phong phú và đa dạng. Thế nhưng, cùng với việc duy trì các giống cây được cho là “truyền thống”, bản sắc của Hà Nội, việc thay thế, trồng mới các chủng loại cây khác là tất yếu.

Và việc cây xanh bị gãy đổ khi xảy ra thiên tai là điều khó tránh khỏi. Nhưng để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, vấn đề mấu chốt đặt ra ở đây đó chính là khi rà soát, nghiên cứu, trồng, thay thế các loại cây, nên tham khảo rộng rãi ý kiến của các chuyên gia để vừa bảo đảm về văn hóa, kiến trúc, cảnh quan, vừa bảo đảm bóng mát, cũng như an toàn cho người dân.

_________

*Số liệu tính đến tối 8/9, theo TTXVN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ