Đắk Lắk: Dân phản ứng tiêu hủy lợn dịch tại nơi chưa có dịch

GD&TĐ - Mặc dù thôn 16 chưa có lợn bị mắc dịch tả châu Phi, tuy nhiên các cơ quan chức năng lại mang số lợn bị dịch từ thôn khác đến tiêu hủy khiến người dân bức xúc.

Cơ quan chức năng đưa lợn bị dịch tại Ea Súp đi tiêu hủy.
Cơ quan chức năng đưa lợn bị dịch tại Ea Súp đi tiêu hủy.

Sáng 4/6, ông Đinh Xuân Đồng, Chủ tịch UBND xã Ea Rốk (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trong quá trình tiến hành tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, có một số hộ dân đã phản ứng về việc mang lợn bị dịch đến nơi chưa có dịch để tiêu hủy.

Trước đó, trong ngày 31/5 và 1/6, cơ quan chức năng nhận được tin báo của hộ gia đình ông Cao Ngọc Đình (thôn 18) và hộ ông Đinh Quốc Tuấn (thôn 12, cùng xã Ea Rốk) về việc đàn lợn của gia đình có biểu hiện bỏ ăn, da hồng nhạt.

Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã có mặt để lấy mẫu về xét nghiệm. Cùng thời điểm trên, Đồn biên phòng Yok Mbre (xã Ea Bung, huyện Ea Súp) cũng phát hiện đàn heo 60 con của đồn có 20 con bỏ ăn, ốm chết.

Qua xét nghiệm, cơ quan chức năng xác định các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Ngay sau đó, UBND huyện Ea Súp đã tổ chức họp khẩn, triển khai công tác phòng chống dịch và tiến hành tiêu hủy 116 con heo mắc dịch tả heo châu Phi với khối lượng gần 4 tấn.

Tuy nhiên, theo vị chủ tịch xã, khi đàn lợn ở thôn 12 và 18 được mang đi tiêu hủy, do quỹ đất tại 2 thôn trên không có nên lực lượng chức năng đã họp bàn và xin ý kiến cấp trên về việc vận động 1 hộ dân trong địa bàn thôn 16 có khu đất rẫy rộng để tổ chức tiêu hủy.

Theo ông Đồng, việc tiêu hủy được thực hiện theo quy trình nhưng khi đoàn đang tiến hành tiêu hủy thì một số hộ dân ra cản trở và cho rằng mang dịch bệnh về thôn.

Ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Đắk Lắk cho hay, vị trí tiêu hủy đảm bảo về quy định về khoảng cách khu dân cư, nguồn nước. Cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu độc khử trùng trước khi vận chuyển đảm bảo đúng quy định.

Về việc người dân cho rằng mang dịch về nơi chưa xảy ra dịch để tiêu hủy, ông Vũ cho hay, vận chuyển xa thì chắc chắn ảnh hưởng hơn gần nhưng phụ thuộc vào quỹ đất.

Đến thời điểm hiện tại, Đắk Lắk ghi nhận 4 ổ dịch tả heo châu Phi tại TP Buôn Ma Thuột và huyện Ea Súp, tổng số heo tiêu hủy là 149 con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ