Ba Lan sẽ có lá chắn hạt nhân của Mỹ và Pháp cùng lúc

GD&TĐ - Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết, đất nước của ông nên tìm cách nằm trong chiếc ô hạt nhân của Pháp để được đảm bảo an ninh.

Ba Lan sẽ có lá chắn hạt nhân của Mỹ và Pháp cùng lúc

Tổng thống Ba Lan chia sẻ điều này trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg. Đồng thời ông Duda tiếp tục kêu gọi triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Ba Lan.

“Tôi tin rằng chúng ta có thể đưa ra cả hai quyết định. Hai ý tưởng này (vũ khí hạt nhân của Mỹ và Pháp) không mâu thuẫn cũng không loại trừ lẫn nhau”, Tổng thống Ba Lan nói.

Thủ tướng Donald Tusk phát biểu trước quốc hội vào tháng 3 rằng Ba Lan có thể tiếp cận vũ khí hạt nhân và cho biết ông đang "đàm phán nghiêm túc" về đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc sử dụng năng lực hạt nhân của Paris để bảo vệ các đồng minh châu Âu.

Phát biểu chưa đầy bốn tháng trước khi rời nhiệm sở, ông Duda đã bảo vệ những nỗ lực của mình, nói rằng vai trò của NATO là chống lại "hành vi nguy hiểm của Nga".

Năm 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Moskva đã triển khai một số vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình ở Belarus, khiến các thành viên NATO ở sườn phía Đông lo ngại.

“NATO dự định sẽ phản ứng thế nào với điều này? Câu trả lời của tôi rất đơn giản. Chúng tôi mời các bạn mở rộng chương trình trao đổi hạt nhân đến lãnh thổ của chúng tôi”, ông Duda nói.

o124124brazets-oblozhky-2-1.png
Lần thử nghiệm đầu tiên của tên lửa chiến lược ASMP-A nâng cấp.

Trong khi đó, việc Ba Lan chấp nhận đề xuất của Tổng thống Macron có thể gặp phải một số trở ngại, vì lá chắn hạt nhân của Pháp không phụ thuộc vào các bảo đảm an ninh của NATO dành cho Warsaw.

Warsaw cũng cam kết không sở hữu vũ khí hạt nhân với tư cách là bên ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Paris và Warsaw hiện đang hoàn thiện công việc về một thỏa thuận song phương sẽ bao gồm nhiều vấn đề, trong đó có quốc phòng, năng lượng hạt nhân và hợp tác khoa học.

Trong bối cảnh Quân đội Mỹ có thể rút khỏi châu Âu, Tổng thống Macron cho biết ông sẵn sàng cung cấp một "chiếc ô hạt nhân" để bảo vệ các quốc gia châu Âu khác.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Litva Gintautas Paluckas cho biết "chiếc ô hạt nhân" của Hoa Kỳ tại châu Âu sẽ vẫn được duy trì vì Washington không muốn mạo hiểm để tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân phát triển.

Tiêm kích Rafale của Pháp thử nghiệm tên lửa hạt nhân không đối đất ASMP-A.
Theo Bloomberg

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ