Cuộc đời Đại tướng gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, có nhiều cống hiến cho cách mạng Việt Nam.
Chiến sĩ cộng sản quốc tế trong sáng, thủy chung
Đồng chí Chu Huy Mân, Chính ủy Đại đoàn 316, năm 1952. |
Đại tướng Chu Huy Mân (1913 - 2006) tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ra tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, TP Vinh, Nghệ An). Đại tướng Chu Huy Mân là một trong số ít các tướng lĩnh được thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng vào năm 1974, thăng quân hàm Đại tướng vào năm 1980. Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa III, IV, V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV, V; Đại biểu Quốc hội khóa II, VI, VII; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại tướng Chu Huy Mân được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Nhà nước ta và các nước bạn.
Tại Hội thảo “Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An” diễn ra giữa tháng 3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Lương Cường cho biết: Hơn 60 năm liên tục hoạt động cách mạng, trải qua rất nhiều cương vị công tác, dù ở đâu, làm gì, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, ác liệt thế nào, đồng chí Chu Huy Mân luôn nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà chính trị sắc sảo, nhà quân sự tài năng, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trìu mến gọi là Hai Mạnh (mạnh cả về chính trị và quân sự).
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông trải qua các cương vị Chính ủy, Trung đoàn trưởng, Chính ủy Đại đoàn lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông gắn bó với chiến trường Khu 5, Tây Nguyên ác liệt với những trọng trách Chính ủy, Tư lệnh Mặt trận B3, Chính ủy, Tư lệnh Quân khu 5.
Ông đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, nghệ thuật quân sự Việt Nam vào thực tiễn chiến trường; coi trọng công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng niềm tin, ý chí, quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược cho lực lượng vũ trang ba thứ quân, góp phần đưa ‘Khu 5 đi đầu diệt Mỹ’, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
Hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ở cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Chu Huy Mân chủ động đề xuất nhiều vấn đề về chính trị, quân sự, quốc phòng và đối ngoại ở tầm chiến lược, nhất là vấn đề giữ vững sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.
Là một chiến sĩ cộng sản quốc tế trong sáng, thủy chung, ông chỉ huy Trung đoàn 74 tham gia Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn giúp cách mạng Trung Quốc; có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, giúp cách mạng Lào vượt qua những thời điểm cam go, thử thách, góp phần bồi đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh: Đại tướng là người có tư duy sắc bén, tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, có nhiều công lao và đóng góp to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đồng chí là tấm gương đạo đức, nhân cách của người chiến sĩ cộng sản, cống hiến hết mình vì nước, vì dân.
Thiếu tướng Chu Huy Mân (ngoài cùng, bên trái), Tư lệnh Quân khu V, trong một chiến dịch tại Mặt trận Tây Nguyên, tháng 6/1972. Ảnh tư liệu |
Tấm gương “dĩ công vi thượng”
Về cống hiến của Đại tướng Chu Huy Mân với Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng, PGS.TS Trần Ngọc Long nhận định, đồng chí Chu Huy Mân là tấm gương của vị tướng “Nhân, Trí, Tín, Dũng, Liêm, Trung” và cho đến những ngày tháng cuối đời, ông vẫn giữ trọn được “Đạo làm tướng” như lời Bác Hồ đã dạy. Với anh em đồng chí, đồng đội, Chu Huy Mân là một con người sống trọn nghĩa, vẹn tình.
Theo PGS.TS Trần Ngọc Long, suốt 93 tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, Đại tướng Chu Huy Mân luôn thể hiện là một con người “dĩ công vi thượng”. “Ít người biết rằng, những ngày tháng cuối đời ở tuổi 93, trước lúc đi xa ông còn viết một bức thư đầy tâm huyết gửi đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó bày tỏ một nỗi niềm đau đáu: Từ tuổi thanh xuân bước vào đội ngũ chiến đấu của Đảng, được Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện; được đồng chí, Nhân dân, đồng đội tận tình giúp đỡ, trước đây, hiện nay, tôi chỉ có một ham muốn, một khát vọng là Đảng ta mãi mãi trong sạch, vững mạnh; Bộ Chính trị Trung ương Đảng nắm chắc Quân đội, quan tâm xây dựng sức mạnh chính trị và tổ chức cán bộ cho Quân đội. Được thế thì dù sóng gió bão bùng đến đâu, Đảng cũng vững vàng dẫn dắt dân tộc, Nhân dân ta và Quân đội ta vững bước đến đỉnh cao hạnh phúc, văn minh của thời đại mới”.
Nhớ lại kỷ niệm sâu sắc về những ngày được trực tiếp chỉ huy chiến đấu dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ: “Từ những năm đầu chống Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên cho đến khi về nghỉ hưu năm 1997, lúc thì trực tiếp, lúc gián tiếp, tôi đã học được ở anh nhiều kinh nghiệm quý báu để không những nâng cao bản lĩnh, quan điểm, trình độ và năng lực tổ chức chỉ huy trong xây dựng và chiến đấu ở các cương vị khác nhau.
Ở anh, tôi cảm nhận được một người vừa là lãnh đạo sắc sảo ở tầm chiến lược, lại vừa là một người chỉ huy thực tiễn sâu sát trên chiến trường, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ qua những thời khắc khó khăn nhất; vừa là một người anh, người chỉ huy, người đồng chí gần gũi, luôn tạo điều kiện cho cấp dưới vượt lên trước những khó khăn, thách thức lớn nhất. Sau này khi đã nghỉ hưu, tôi thường xuyên đến thăm anh, xin ý kiến anh.
Qua những lời tâm tình trao đổi, tôi biết anh trăn trở nhiều lắm về thời cuộc, về Đảng, Nhà nước và Quân đội. Anh nói: Đảng ta, Đảng của Bác Hồ vĩ đại lắm, ít có Đảng giữ vững ngọn cờ tiền phong không riêng cho dân tộc ta mà để làm gương, làm điểm tựa cho các Đảng anh em giữ vững và phát huy được bản chất truyền thống vĩ đại đó trong cơ chế thị trường, trong hội nhập kinh tế thế giới…”.
Đồng chí Chu Huy Mân (thứ tư, từ trái sang) kiểm tra, theo dõi các mũi tiến công của Quân Giải phóng đánh vào TP Đà Nẵng (tháng 3/1975). Ảnh tư liệu |
Danh nhân xứ Nghệ
Dù bất cứ ở cương vị nào, từ Trung đoàn trưởng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu đến Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, dù cố vấn cho nước bạn Lào hay chiến đấu giúp cách mạng Trung Quốc, kể cả sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Đại tướng Chu Huy Mân luôn giữ nếp sống giản dị, trung thực, chan hòa; nghiêm khắc đối với chính mình, dành cho đồng chí, đồng đội tình cảm thân thương, trìu mến của người anh, người cha trong gia đình.
Nhận xét về đức tính này, Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái cho rằng, đó là bản chất của một người mang tính cách điển hình của cốt cách xứ Nghệ được Đảng và Bác Hồ, Quân đội giáo dục, rèn luyện kết hợp với quá trình tự học hỏi, tu dưỡng hàng ngày để hấp thụ, thấm nhuần bản chất, cội nguồn văn hóa Việt Nam, tinh hoa văn hóa nước bạn, bồi đắp nên nhân cách anh Hai Mạnh. Nhưng, cốt cách xứ Nghệ vẫn còn giữ nguyên trong giọng nói, cách nói, trong phong cách sống tận hiến đến hơi thở cuối cùng.
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An Nguyễn Quốc Hồng đánh giá, trong hành trang trí tuệ, tài năng và nhân cách, Đại tướng Chu Huy Mân mang theo suốt cuộc đời dấu ấn truyền thống tốt đẹp và những kinh nghiệm của các bậc tiền bối rút ra từ thực tiễn đấu tranh anh dũng của quê hương xứ Nghệ; đó chính là cội nguồn hành trang trí tuệ để người thanh niên yêu nước Chu Văn Điều trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, trở thành “Một cán bộ cấp cao tiêu biểu của Đảng, Nhà nước; một tướng lĩnh xuất sắc, một nhà quân sự - chính trị song toàn của Quân đội ta, là tấm gương cho toàn dân, toàn quân học tập”.
Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Chu Huy Mân thăm một đơn vị bộ đội tên lửa, tháng 2/1977. Ảnh tư liệu |
“Đại tướng Chu Huy Mân là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nói chung, của quê hương xứ Nghệ Xô viết anh hùng và của gia đình, dòng họ. Với công lao và thành tích to lớn và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong quân đội, trong nhân dân suốt những năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Chu Huy Mân, người con xứ Nghệ, xứng danh danh nhân quân sự - chính trị thời đại Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Quốc Hồng khẳng định.