(GD&TĐ - )Dọc bờ sông Lam xứ Nghệ đã sinh ra nhiều danh nhân hào kiệt, tướng lĩnh tiêu biểu cho bản lĩnh và khí phách của một dân tộc anh hùng. Đại tướng Chu Huy Mân là một trong những con người xứ Nghệ như thế.
Xuất thân áo vải bên dòng Lam
Chúng tôi tìm về xóm xã Hưng Hòa (TP Vinh), quê hương của cố Đại tướng Chu Huy Mân. Nơi đây, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An vừa làm lễ khánh thành nhà lưu niệm và lễ Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng (17/3/1913 - 17/3/2013). Trên các ngả đường còn rợp cờ và hoa.
Nhà Lưu niệm nằm bên dòng Lam thơ mộng. Chính mảnh đất này là nơi Đại tướng Chu Huy Mân đã sinh ra và lớn lên. Đại tướng Chu Huy Mân (tên thật là Chu Văn Điều) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có tới 8 anh chị em. 14 tháng tuổi bố mất. Cuộc sống mất đi người đàn ông trụ cột nên gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Khổ cực quá nên người mẹ đành phải đứt ruột bán 2 người chị của ông cho nhà giàu, số còn lại đi ở, đi làm thuê, làm mướn mưu sinh. Là con út nên cậu bé Mân được mẹ, anh chị rất yêu thương và cho đi học chữ Hán. Vốn thông minh từ nhỏ nên chẳng mấy chốc tiếng tăm về lực học chữ Hán và tài ứng đối của Mân nổi như cồn, khắp tổng Yên Trường thời đó ai cũng biết.
Ngoài tư chất thông minh, từ nhỏ ông đã bộc lộ khiếu cầm quân. Những buổi chăn trâu, hay bơi lội trên dòng sông Lam ông thường chỉ huy đám mục đồng đánh trận giả, đốt đèn Khổng Minh... Đặc biệt, năm 12 tuổi, ông một mình dũng cảm lao xuống dòng Lam chảy xiết để cứu sống 2 người bạn chăn trâu sẩy chân bị dòng nước cuốn ra giữa dòng.
Đại tướng Chu Huy Mân |
Theo học chữ Hán được một thời gian, ông phải nghỉ học để đi làm kiếm sống. Quê ông, những năm cuối thập kỷ 20 nửa cuối thế kỷ trước, ruộng đất nằm trong tay địa chủ, nhân dân chủ yếu đi làm thuê, đời sống cay cực vì lao dịch nặng nề, thuế sưu chồng chất, trai tráng trong làng phần lớn không biết chữ. Hàng trăm người phải vào làm thuê trong các nhà máy ở Vinh. ở làng họ bị địa chủ ức hiếp bóc lột không còn đường sống, vào nhà máy họ lại bị cúp lương, hành hạ đủ kiểu. Lòng căm thù, ý chí phản kháng của họ ngày càng dâng cao. Vì thế, những người cộng sản thế hệ tiền bối ở Tân Việt, Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đã chọn Yên Lưu làm nơi phát tích, xây dựng cơ sở. Không phải ngẫu nhiên, "Đông Dương cộng sản Đảng vùng nông thôn Đông Bắc Vinh - Bến Thuỷ” gọi tắt là Chi bộ Lộc Đa, Yên Dũng, Đức Thịnh - 1 trong 5 chi bộ cộng sản đầu tiên của Nghệ An và cũng là chi bộ cộng sản đầu tiên duy nhất ở Hưng Nguyên, lại ra đời từ đây. Anh thanh niên Chu Huy Mân và nhóm trai làng đi làm phu khuân vác ở các nhà máy ở Vinh, Bến Thủy càng thấy náo nức trong lòng, khát khao được góp sức trai đánh đổ thực dân phong kiến theo con đường Nga - Xô Viết.
Đến vị tướng tài năng...
Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1929, ông tham gia Tự vệ đỏ và đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11/1930 khi mới 17 tuổi. Lời hứa danh dự trước cờ Đảng đã theo ông suốt chặng đường tham gia đấu tranh cách mạng, trải dài từ những năm tháng bị giam cầm trong nhà lao Vinh, bị tù đày ở Đắk Lay, Đắk Tô (Kon Tum), rồi vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945; trải qua hai cuộc trường chinh kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược, làm nghĩa vụ quốc tế với hai nước bạn Lào, Campuchia, Đại tướng Chu Huy Mân đã vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm, đem sức mình cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân.
Ông trở thành nhà quân sự, chính trị chiến lược tài năng, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Ông đã từng nói một câu bất hủ: Xương máu của chiến sĩ là vốn quý giá của dân tộc, của quân đội và của mỗi gia đình chiến sĩ, vì vậy, để bộ đội tổn thất là một trách nhiệm lớn của người chỉ huy”. Chính vì vậy mà ông luôn lên kế hoạch và chiến lược để đảm bảo thắng lợi trong mọi trận đánh với mức thương vong thấp nhất.
Là người từng nhiều lần được gặp, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ, nhưng hè năm 1967, khi ra Bắc báo cáo tình hình và được Bác cho gọi cũng là lần cuối cùng ông được gặp Người tại Thủ đô. Được ăn cơm cùng Bác tại ngôi nhà sàn nhưng ông cứ nghẹn ngào… Bác hỏi thăm, căn dặn ông về đạo làm tướng và khi ông báo cáo mình đang là Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, Bác đã trìu mến nói: “Chú Mân chịu khó gánh vác hai vai cho khỏe càng tốt”. Từ lời nói của vị Chủ tịch nước, cái tên thân thương – anh "Hai Mạnh" văn võ song toàn (Mạnh về chính trị và Mạnh về quân sự) đã ra đời và cái tên đó luôn làm ấm lòng những người lính trong chiến tranh cũng như hòa bình.
Đất nước thống nhất, Đại tướng tiếp tục đảm nhiệm những trọng trách mà Đảng và Tổ quốc giao phó... Dù ở đâu và trên bất cứ cương vị công tác nào Đại tướng cũng luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng và sáng ngời phẩm chất cao cả của người cộng sản hết lòng vì nước, vì dân, luôn thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Và những nỗi niềm
Một thế kỉ với 2 cuộc trường chinh, bản thân gia đình đại tướng cũng chịu rất nhiều mất mát đau thương. Ngày ông hoạt động bí mật rồi bị thực dân Pháp bắt tháng 5/1937 và đưa đi nhiều nhà tù ai cũng bảo ông đã bị Pháp giết trong nhà tù. Ở nhà người vợ ông tần tảo nuôi 2 đứa con chờ chồng, nhưng trận đói lịch sử năm 1945 đã cướp đi của ông người con trai 7 tuổi. Vợ ông, lúc đó phải bế đứa con gái còn nhỏ dạt ra Hà Nội xin ăn để tìm đường sống.
Ngày ông trở về chỉ còn căn nhà hoang vắng. Người vợ nghĩ ông đã chết cũng đi lấy chồng. Nén nỗi đau, ông lại lên đường làm nhiệm vụ. Mãi đến năm 1952, ông mới đi bước nữa với cô Lê Thu Thủy – Cán bộ phụ nữ huyện Yên Dũng và sinh được 3 người con, 2 gái 1 trai.
Người con trai Chu Thế Sơn sinh năm 1959, lớn lên đã tình nguyện gác bút nghiên cầm súng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và anh đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào.
Bản thân ông, gia đình ông đã cống hiến tất cả cho công cuộc giải phóng dân tộc, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Thế nhưng ông sống khiêm tốn, giản dị và cần, kiệm, thích ăn khoai, sắn và uống nước chè tươi - những "đặc sản" gắn với quê hương xứ Nghệ của ông; luôn sâu sát đơn vị, cơ sở, sâu sát chiến sĩ và nhân dân.
Lúc về hưu rồi Đại tướng vẫn luôn đau đáu nỗi lòng vì sự phát triển hưng thịnh của đất nước.
Ông Chu Huy Biên - cháu ruột của đại tướng - tâm sự: Mỗi lần tôi ở quê ra thăm chú, bao giờ câu đầu tiên ông hỏi là: Mùa màng như thế nào, dân ta còn đói nữa không. Ông rất quan tâm mong muốn đến nông thôn đổi mới và rất sợ dân bị đói”.
Khi nằm trên giường bệnh, vị tướng tài ba của quân đội, người đảng viên lão thành vẫn dành những giờ phút minh mẫn cuối cùng của cuộc đời mình để gửi gắm những ước nguyện tràn đầy tâm huyết cho sự nghiệp của Đảng, vì dân vì nước. Đại tướng vẫn luôn trăn trở về sự suy thoái tư tưởng chính trị và phẩm chất đạo đức của một số cán bộ, đảng viên hiện nay. Tâm nguyện của ông là làm thế nào để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, làm sao để người cán bộ, đảng viên giữ gìn được phẩm chất cao quý của người cách mạng. Phải làm cho dân giàu nước mạnh, dân chủ, văn minh.
Điều đó cho thấy trách nhiệm của người đảng viên lớp gạo cội trước sự tồn vong của Đảng cầm quyền và chế độ. Nhắc lại những điều này để thêm một lần nhớ về ông - một vị Đại tướng luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng cả trong cả thời chiến và thời bình cũng để thêm một lần cảm nhận sâu sắc, ý nghĩa lớn lao của việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang thực hiện những di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đồng chí Chu Huy Mân là một cán bộ lãnh đạo cấp cao tiêu biểu của Đảng và Nhà nước, một tướng lĩnh xuất sắc, chính trị, quân sự song toàn của quân đội ta, là một tấm gương sáng cho toàn quân, toàn dân ta học tập... Đối với tôi, Đại tướng Chu Huy Mân là người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết, người cán bộ mà tôi đặt nhiều niềm tin khi đồng chí được giao những nhiệm vụ quan trọng”. (Trích chuyên đề tướng lĩnh QĐND Việt Nam) |