Đại thi hào Pushkin vô tình phải cách ly vì dịch tả: Thời gian cho những tác phẩm bất hủ

Đại thi hào Pushkin vô tình phải cách ly vì dịch tả: Thời gian cho những tác phẩm bất hủ

Tuy nhiên, trước đây nhân loại đã nhiều lần rơi vào hoàn cảnh tương tự, và nhiều bộ óc vĩ đại đã biến khó khăn thành thuận lợi. Đại thi hào Nga Aleksandr Pushkin đã có quãng thời gian như thế khi bị cách ly phòng dịch tả tại làng Boldino, tỉnh Nizhegorod, năm 1830.

Vô tình bị cách ly

Mùa thu năm 1830, dịch tả bùng phát ở Mátxcơva. Hai tuần trước khi nhà nước tuyên bố cách ly phòng dịch, ngày 3/9/1830, Aleksandr Pushkin đến làng Boldino, tỉnh Nizhegorod. Đó là thời gian trước đám cưới của nhà thơ với người vợ tương lai Natalya Goncharova. Vì những lý do khác nhau, việc mai mối với Natalya Goncharova bị trục trặc, nhưng cuối cùng, vào mùa xuân năm 1830, ông đã nhận được sự đồng ý của mẹ vợ tương lai. Một thời gian, câu chuyện này diễn ra bình thường, như tất cả những gì liên quan tới tục lệ cưới xin thời bấy giờ. Vào tháng 8, bác của nhà thơ, Vasily Pushkin, qua đời, và buộc phải hoãn lại đám cưới. Rõ ràng, nhà thơ đến Boldino vì ông bác qua đời, nhưng sau đó do nạn dịch tả nên phải nán lại đây khá lâu.

Mặt khác, không lâu trước khi đến Boldino, ngay cả bạn bè cũng trách Pushkin lười biếng, các nhà phê bình Bulgarin và Grech nói rằng hơn một năm nay, Pushkin chỉ viết được “những bài thơ vặt”. Rõ ràng, nhà thơ ở trong tình trạng mà hiện nay chúng ta thường gọi là trầm cảm.

Hai năm đi đày

Đại thi hào Pushkin vô tình phải cách ly vì dịch tả: Thời gian cho những tác phẩm bất hủ ảnh 1
Natalya Goncharova, phu nhân của đại thi hào Aleksandr Pushkin.

Aleksandr Pushkin vốn không phải là người chỉ ru rú xó nhà như nhiều nhà văn Nga ở thế kỷ 19. Đối với ông, một kẻ ham mê cờ bạc, chơi bời, lãng tử… phải cách ly bắt buộc trở thành sự gò bó trong cuộc đời.

Từ năm 1824 - 1826, trong thời gian đi đày hai năm tại làng Mikhaylovskoye, Pushkin đã để lại khoảng một trăm tác phẩm, rất nhiều bài thơ, trong đó, theo các nhà nghiên cứu, thể hiện đậm nét phong cách của ông. Pushkin đã hoàn tất các trường ca “Những người Tsigan” và “Bá tước Nulin”, vở kịch “Boris Godunov”, được viết bằng thơ tự do, bắt chước cấu trúc trong các bi kịch của Shakespeare, và đánh dấu việc Pushkin từ bỏ chủ nghĩa lãng mạn. Thời kỳ này, ông cũng bắt đầu sáng tác tiểu thuyết “Người da đen của Pyotr Đại đế” về sau bị bỏ dở. Ở làng Mikhaylovskoye, Pushkin làm việc đều đặn, ông chủ yếu dành thời gian đọc cuốn “Lịch sử nhà nước Nga” của người bạn lớn tuổi Karamzin. Còn ở Boldino, mọi thứ đều khác.

“Mùa thu Boldino”

Aleksandr Pushkin mang theo bốn cuốn sách đến làng Boldino gồm: Tuyển tập thơ của Milman, Bowles, Wilson và Barry Cornwall; tuyển tập thơ của Coleridge, Shelley và Keats; tập hai cuốn “Lịch sử dân tộc Nga” của Nikolay Polevoy; tuyển tập các câu cách ngôn của Jean-Paul mà ông có lần nhắc tới trong truyện ngắn “Tiểu thư nông dân”. Pushkin không mang theo những cuốn vở cũ chép bản thảo, vốn được coi là vật bất ly thân của ông.

Ở Boldino, Pushkin chủ yếu giao tiếp với nông dân, tìm hiểu ngôn ngữ và phương ngữ của họ; thỉnh thoảng ông ghé qua nhà nữ hầu tước Golitsyna để nhận tin tức mới nhất về kiểm dịch. Trong những lá thư gửi cho Natalya Goncharova, ông mô tả cuộc sống đạm bạc của mình ở Boldino như sau: “Ngủ dậy lúc 7 giờ sáng, uống cà phê và nằm đến 3 giờ chiều. 4 giờ cưỡi ngựa đi dạo, 5 giờ đi tắm và sau đó dùng bữa tối với khoai tây và cháo kiều mạch. Đọc sách đến 9 giờ. Đó là thời gian biểu một ngày của anh, và tất cả giống hệt nhau”.

Các nhà nghiên cứu văn học coi “Mùa thu Boldino” là giai đoạn sáng tác năng suất nhất trong cuộc đời đại thi hào Aleksandr Pushkin. Thời gian này, ông viết được 32 bài thơ trữ tình, hoàn tất tiểu thuyết thơ “Evgeny Onegin”, “Tập truyện ông Belkin” và viết xong toàn bộ 6 “Bi kịch nhỏ”, trực tiếp liên quan tới nạn dịch tả diễn ra ở nước Nga năm 1830. Một trong những bi kịch nhỏ của A. Pushkin “Bữa tiệc trong thời dịch hạch” nói về những suy ngẫm của nhà thơ trong ba tháng trời bị cách ly tại làng Boldino để phòng dịch. Ngoài ra, Pushkin còn viết một loạt bài báo về thực trạng phê bình văn học Nga cho tờ “Văn học”.

Khuyên mọi người ở nhà phòng dịch

Aleksandr Pushkin bắt đầu viết bi kịch “Boris Godunov” trong thời gian đi đày ở làng Mikhaylovskoye. Dường như, ông linh cảm mình là người khai sinh của thể loại bi kịch, giống như Euripides (nhà viết kịch Hy Lạp cổ đại) và Shakespeare, và chép lại một số phác thảo trong vở nháp của ông với tiêu đề “Kinh nghiệm tìm hiểu kịch”. Các vở kịch này chạm tới các vấn đề mà theo ý kiến của Pushkin, tồn tại ngoài thời gian và không tìm kiếm các cốt truyện mới. Không có gì ngạc nhiên là sau khi tác giả qua đời, những vở kịch này, rốt cuộc, được xuất bản dưới tựa đề “Những bi kịch nhỏ”, và đã trở thành những tác phẩm kinh điển của sân khấu.

Khác với “Tập truyện của ông Belkin”, các bi kịch nhỏ không mô tả về đời sống, và các nhân vật dường như trực tiếp bàn về đạo đức và lương tâm của mình. “Bữa tiệc trong thời dịch hạch” là một bi kịch như vậy (Pushkin vay mượn một đoạn của trường ca “Thành phố dịch hạch” của nhà văn Anh John Wilson, nơi những kẻ ăn tiệc trong thời kỳ dịch hạch đang hoành hành ở London đã bị một linh mục chỉ trích và buộc tội vô đạo và báng bổ). “Bữa tiệc trong thời dịch hạch” thực chất là bản dịch tác phẩm nói trên của tác giả, nhưng nó đã được cộng hưởng một cách đáng kinh ngạc với đời sống Nga thời cách ly phòng dịch. Trong những lá thư gửi về Mátxcơva, Pushkin lên án một số bạn bè của mình vì thái độ không nghiêm túc đối với dịch tả và tiếp tục một cuộc sống nhàn hạ.

Cuối cùng, ngày 29/11/1830, nạn dịch tả ở Nga đã được dập tắt hoàn toàn, Pushkin rời làng Boldino, ông trở về Mátxcơva ngày 5/12. Dịch tả không ảnh hưởng gì tới bạn bè và gia đình của Aleksandr Pushkin. Và vào đầu mùa xuân năm sau (1831), nhà thơ và người đẹp Natalya Goncharova đã tổ chức lễ cưới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.