Đại tá, NSND Hoài Thanh, 'Tôi dùng sự thương yêu để dạy dỗ học trò'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dạy học chưa khi nào là nghề dễ dàng, đơn giản, nhất là dạy học nghệ thuật trong nhà trường quân đội.

Đại tá, NSND Hoài Thanh và các học trò trong ngày tốt nghiệp.
Đại tá, NSND Hoài Thanh và các học trò trong ngày tốt nghiệp.

Đại tá, NSND Hoài Thanh (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Thanh nhạc, Khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) đưa ra quan điểm nghề nghiệp rằng: “Tôi thường dùng lòng bao dung, sự thương yêu để dạy dỗ các em trưởng thành”.

Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Đại tá, NSND Hoài Thanh.

Đại tá, NSND Hoài Thanh.

Dịp kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay với Đại tá, NSND Hoài Thanh có nhiều điều đặc biệt bởi Khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đang có nhiều hoạt động hướng đến kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Trong hành trình 30 năm ấy, bà đã có khoảng 20 năm gắn bó từ một giảng viên cộng tác đến giảng viên cơ hữu.

Đó là quãng thời gian bà được say mê trao truyền kiến thức cho thế hệ học trò sau những năm dài biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân khắp các chiến trường và nhiều địa phương khi hòa bình lập lại. Cứ nghĩ đến những điều này, bà lại rơm rớm nước mắt vì hạnh phúc, tự hào.

Cùng tôi có mặt trong căn nhà nhỏ của NSND Hoài Thanh là Đại úy, nhạc sĩ Dương Trọng Thành (giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội).

Là thế hệ đàn em, trong tâm khảm Đại úy Dương Trọng Thành luôn coi NSND Hoài Thanh là người thầy, người đồng nghiệp, người cô đáng mến. Đại úy, nhạc sĩ Dương Trọng Thành cho biết: “Là nghệ sĩ nổi tiếng từng “vào sinh ra tử” phục vụ bộ đội trong chiến trường, đào tạo nhiều “hạt nhân” văn hóa văn nghệ cho quân đội nhưng cô Hoài Thanh luôn giản dị, khiêm nhường. Cô luôn gần gũi, thân thiện với học trò. Ở cô hiện lên phẩm chất đáng quý của Bộ đội Cụ Hồ”.

Đúng như vậy, trong thời gian không dài được trò chuyện cùng bà, tôi đã phần nào cảm nhận được điều đó. Khi tôi đặt vấn đề được viết về bà, nghệ sĩ xua tay: “Tôi về hưu rồi, có thành tích gì đâu mà viết...”.

Ai cũng hiểu bà khiêm tốn khi nói về mình bởi khi được ngồi nghe kể chuyện đời, chuyện nghề mới thấy, hơn 40 năm qua là quãng thời gian nhiều vinh quang, tự hào nhưng cũng thấm đẫm những giọt mồ hôi và nước mắt của người nghệ sĩ.

Hoài Thanh sinh ra trong một gia đình yêu ca hát ở Nam Định nhưng khi chừng 5 tuổi, cả gia đình bà chuyển về sống tại Hải Phòng. Ngày còn đi học, giữa những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất, qua sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, bà thường xuyên được nghe những giọng ca đầy hào sảng, tươi vui của Đoàn Văn công Trường Sơn nổi tiếng như: Quang Thọ, Doãn Tần, Thu Hiền, Hoàng Chè... và thầm ước một ngày nào đó tiếng hát của mình cũng sẽ vang lên trên sóng đài phát thanh.

Thế rồi, cầu được ước thấy, năm 1975, lúc ấy mới 20 tuổi, đang là công nhân Nhà máy Cơ khí Nam Thái (Hải Phòng), Hoài Thanh đã giành giải Nhất cuộc thi “Giọng hát hay” do thành phố Hải Phòng tổ chức.

Bước ra từ cuộc thi, Hoài Thanh đã xuất hiện trong hầu hết hoạt động văn hóa, văn nghệ của thành phố Cảng. Dần dà, sự nổi tiếng ấy của cô công nhân Hoài Thanh đã “đến tai” Đoàn Văn công Trường Sơn và ngay lập tức lãnh đạo đoàn đã cử người về tuyển.

“Khi về Đoàn Văn công Trường Sơn, tôi được đồng chí Cục trưởng Cục Chính trị trực tiếp thẩm định giọng hát. Khi ấy tôi đã hát 3 bài “Bài ca bên cánh võng”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Thành phố hoa phượng đỏ”... và được đánh giá cao. Sau đó, các thủ trưởng giao nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ dạy tôi hát song ca cùng ca sĩ Duy Thường bài hát “Tình em gửi trọn con đường””, nghệ sĩ Hoài Thanh nhớ lại.

Đại tá, NSND Hoài Thanh vinh hạnh được chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tá, NSND Hoài Thanh vinh hạnh được chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thể hiện quyết tâm cao nhất

Sở hữu chất giọng đẹp, trầm ấm bẩm sinh và khi vào đoàn được NSND Hoàng Chè truyền dạy kiến thức luyện thanh, xướng âm, nhạc lý... nên giọng hát của Hoài Thanh ngày càng hoàn thiện.

Cùng với đó, Hoài Thanh được đoàn cho đi tập huấn thanh nhạc và được học các thầy cô là những nghệ sĩ nổi tiếng như Trần Hiếu, Gia Khánh, Thúy Hiền, Mai Khanh, Lệ Chi... Năm 1978, Hoài Thanh học hệ trung cấp thanh nhạc của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Có trải nghiệm, lại được học hành bài bản, Hoài Thanh đã khẳng định được tên tuổi qua những ca khúc, như: “Người chiến sĩ ấy”, “Bài ca người giáo viên nhân dân”, “Nhạc rừng”, “Đất nước lời ru”... Đặc biệt, Hoài Thanh đã giành được Huy chương Vàng tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 với bài hát “Đất nước lời ru”, Huy chương Vàng tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999 với bài “Kèn lá ru đêm”, Huy chương Vàng tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quân năm 1995 và Huy chương Vàng tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1997 với bài “Theo câu sli”, Huy chương Vàng tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quân năm 2000 với bài “Ú lụ non” (“Ru con ngủ”, dân ca người Thái) và bài “Nhớ chiều Tây Bắc”...

Là ca sĩ của Đoàn Văn công Trường Sơn rồi Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 (nay là Đoàn Văn công Quân khu 2), Hoài Thanh đã cùng các nghệ sĩ trong đoàn đi biểu diễn ở nhiều vùng đất như Gio Linh, Thành cổ (Quảng Trị), Ba Chúc (An Giang); Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành (Tây Ninh), Thanh Thủy, Vị Xuyên (Hà Giang), Phong Thổ (Lai Châu)... rồi tham gia biểu diễn ở nhiều nước, như Liên Xô, Lào, Campuchia...

Đặc biệt, trong chiến tranh biên giới, Hoài Thanh và các nghệ sĩ trong đoàn đã lên tận trận địa để động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội ta. “Ngày ấy mỗi khi chuẩn bị đi biểu diễn, nhạc sĩ Thuận Yến, Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 thường động viên chúng tôi: “Các đồng chí hãy thể hiện quyết tâm cao nhất, nếu có hy sinh Tổ quốc sẽ ghi công các đồng chí...”. Dẫu biết rằng vào trận địa là đối diện với cái chết bất cứ lúc nào nhưng chúng tôi cứ có lệnh là đi, đi một cách vô tư với tinh thần và ý chí mạnh mẽ”, nghệ sĩ Hoài Thanh cho biết.

Đại tá, NSND Hoài Thanh trong một chương trình biểu diễn.

Đại tá, NSND Hoài Thanh trong một chương trình biểu diễn.

Hạnh phúc sau mỗi “chuyến đò”

Sau 26 năm phục vụ ở hai đoàn văn công, năm 2001, NSND Hoài Thanh chuyển về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội).

Trên cương vị giảng viên thanh nhạc, bà quan niệm phải giảng dạy bằng cái tâm, phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm, tận tình, kiên trì... “Giảng dạy nghệ thuật mang tính đặc thù, đòi hỏi giảng viên phải có phương pháp linh hoạt, sáng tạo, uyển chuyển, không thể cứng nhắc, khuôn phép được vì năng khiếu và mức độ cảm thụ của mỗi học viên là khác nhau.

Tôi thường dùng lòng bao dung, sự thương yêu để dạy dỗ các em trưởng thành. Tôi vui mừng, tự hào khi thấy những lứa học trò ra trường đến hơn 20 năm vẫn quay về thăm cô nhân ngày 20/11, và tôi nghĩ mình đã phần nào thành công trong giảng dạy”, bà chia sẻ.

Bà cho biết, giáo trình giảng dạy đối tượng học viên quản lý văn hóa khác với đối tượng học viên nghệ thuật chuyên nghiệp. Đối tượng đào tạo diễn viên thanh nhạc phần lớn đều có năng khiếu bẩm sinh, chất giọng trời phú, có nhiều em đoạt giải cao trong các hội thi, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, còn học viên quản lý văn hóa là những cán bộ, chiến sĩ trưởng thành từ phong trào nghệ thuật quần chúng ở đơn vị.

Hơn nữa các đối tượng học viên đến từ nhiều miền quê khác nhau, phong tục tập quán, giọng nói, cách phát âm hết sức phong phú, đa dạng, kéo theo phương pháp hướng dẫn của giáo viên cũng phải linh hoạt, sáng tạo, làm sao để trình độ nhận thức của các học viên phải tương đối đồng đều.

Các học viên yếu kém được kèm riêng, thường xuyên khích lệ các em vượt qua mặc cảm, phấn đấu vươn lên... Sự tận tụy, chu đáo, hết lòng vì học trò của cô giáo Hoài Thanh được đền đáp xứng đáng khi nhiều học trò của chị trở thành cán bộ cốt cán trong hoạt động nghệ thuật quần chúng từ cấp cơ sở đến toàn quân, có người trở thành nhạc sĩ, cán bộ văn hóa có tên tuổi ở địa phương.

Dù đã tốt nghiệp nhiều năm nay, Đại úy Nguyễn Thị Thảo (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) vẫn nhớ như in những tiết học mà cô giáo Hoài Thanh đã tâm huyết, trách nhiệm truyền lại kiến thức cho mình và các bạn cùng trang lứa.

“Tôi cứ cảm tưởng cô giáo Hoài Thanh như mẹ hiền của mình, bởi tình thương yêu, sự trách nhiệm, tận tâm trong nghề của cô. Làm sao chúng tôi có thể quên được những tiết học mà cô giáo Hoài Thanh đã luyện thanh cho chúng tôi, đã kể cho chúng tôi những kỷ niệm khi được ca hát phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong chiến trường. Cách dạy của cô thật dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng để giờ đây khi không theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp, tôi vẫn áp dụng vào trong các chương trình nghệ thuật của đơn vị”, Đại úy Nguyễn Thị Thảo chia sẻ.

Hiện tại, sau khi nghỉ hưu, cuộc sống của NSND Hoài Thanh ngập tràn niềm hạnh phúc bên một gia đình đều là những người theo nghệ thuật. Chồng của bà vốn là nghệ sĩ múa của Đoàn Văn công Quân khu 2, con gái cả cũng đang là nghệ sĩ múa của Đoàn Văn công Quân khu 2.

Hai con trai của bà một người công tác tại Nhà hát Múa rối Việt Nam, một người chơi guitar bass ở Đoàn Văn công Quân khu I. Cả gia đình theo nghệ thuật luôn mang đến cho bà niềm tự hào. Với bà, hoạt động nghệ thuật mà nhất là trong quân đội sẽ tạo nên cho người nghệ sĩ một tâm hồn lãng mạn, một tâm thế vững vàng.

Hơn 40 năm gắn bó với môi trường quân đội, Đại tá, NSND Hoài Thanh luôn tự hào là người nghệ sĩ, chiến sĩ và đặc biệt là một cô giáo trong nhà trường nghệ thuật của lực lượng vũ trang.

Dịp 20/11 này, học trò khắp nơi sẽ trở về tề tựu, sum họp cùng cô giáo Hoài Thanh để kể cho cô nghe sự trưởng thành của mỗi người. Và những lần như thế, cô giáo Hoài Thanh lại không kìm nén được cảm xúc, được nỗi niềm hạnh phúc khi đã hoàn thành sứ mệnh “chở đò” đầy vinh quang, cao quý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ