Được truyền thông rầm rộ trong suốt 2 tháng qua với sự tham gia của nhiều thần tượng âm nhạc Việt Nam, Hàn Quốc nên người hâm mộ đổ dồn sự quan tâm vào Đại nhạc hội K-pop Open Air #2, được dự kiến sẽ đón khoảng 25 nghìn khán giả này tại sân khấu Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội). Vậy mà, đại nhạc hội này đã bất ngờ bị hủy khiến khán giả mất đi cơ hội đón Noel bằng bữa tiệc âm nhạc của nghệ sĩ Việt - Hàn.
Không chỉ thế, với người đã mua vé, dù rằng trước đó nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc rút khỏi sự kiện, như là dự báo điều này có thể xảy ra, song đến khi ban tổ chức chính thức có thông báo hủy show và “hoàn tiền vé” thì vẫn là cú sốc.
Vì để có được tấm vé bước vào đại nhạc hội, mỗi chủ nhân phải chi khoản tiền không nhỏ, trong đó chỗ V.VIP lên tới 10-15 triệu đồng. Nhất là, không ít người ở xa đã chi khoản kinh phí không nhỏ cho việc dịch chuyển, lưu trú thì còn là nỗi bức xúc vì… trở tay không kịp.
Sự việc này đã để lại dư âm xấu xí, đồng thời bộc lộ khả năng tổ chức thiếu chuyên nghiệp, ăn đong, khôn lỏi của đơn vị tổ chức. Không phải tự nhiên một loạt nghệ sĩ, nhóm nhạc Việt Nam, Hàn Quốc cùng rút khỏi sự kiện với lý do: “Đơn vị tổ chức không tuân thủ hợp đồng…”.
Động thái hoàn tiền vé cho khán giả cũng khó có thể xoa dịu được dư luận, nhất là vẫn để chậm trễ. Và kể cả việc đó được hoàn tất trong thời gian tới đây thì không chỉ không thể bù đắp được các khoản đầu tư không nhỏ đó mà còn làm tổn thương niềm tin của người hâm mộ.
Nhìn lại quy trình, khi đặt chỗ, người hâm mộ phải chấp nhận không ít điều khoản, nhất là việc phải trả tiền vé trước cả tháng và không được hoàn lại nếu vắng mặt vì bất kỳ lý do nào.
Vậy nhưng, khi Ban tổ chức xảy ra chuyện thì chỉ gọn lỏn một thông báo trên fanpage cùng lời hẹn “đợi hoàn tiền…”. Số điện thoại liên hệ đính kèm gần như chỉ là lấy lệ. Bởi vậy, nhiều khán giả khóc dở, mếu dở vì chẳng biết đến khi nào nhận được sự bồi hoàn đây.
Có lẽ, cũng đã đến lúc người hâm mộ cần được bồi thường không chỉ về vật chất (tiền vé) mà cả về những tổn thương tinh thần (niềm tin) khi các đơn vị tổ chức “bùng” show. Song điều này chỉ có thể thực hiện khi họ cùng mạnh mẽ lên tiếng và cụ thể hóa ngay trong những điều khoản khi đặt vé, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Đây là sự “thuận mua, vừa bán” vừa văn minh vừa thể hiện trách nhiệm sòng phẳng của cả hai bên trước những sản phẩm văn hóa chất lượng. Đừng để những chuyện kém vui này xảy ra, nhất là Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa – trong đó ngành âm nhạc dự phần quan trọng!