Chính quyền Đài Loan vừa thông qua một quy định về kiểm soát thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử của trẻ em.
Mục đích của quy định này nhằm bảo vệ trẻ em trước những tác động xấu đến nhân cách và sự phát triển sinh học bằng cách không cho phép chúng sử dụng các thiết bị điện tử quá 30 phút/1 lần.
Quy định mới cũng cấm trẻ em dưới 2 tuổi tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Những người dưới 18 tuổi "không được sử dụng các sản phẩm điện tử liên tục trong một khoảng thời gian không hợp lí".
Mặc dù vậy, các cơ quan chức năng chưa giải thích rõ làm cách nào để họ có thể xác định được "khoảng thời gian không hợp lí" để đưa ra các hình phạt.
Các bậc phụ huynh ở Đài Loan sẽ bị chính quyền phạt nặng nếu bị phát hiện để cho con mình chơi video game hoặc xem TV quá thời gian quy định. Mức phạt cao nhất dành cho họ có thể lên đến 1000 Bảng Anh (hơn 32 triệu đồng).
Điều này cũng đồng nghĩa với việc chính quyền đã xem các sản phẩm điện tử cũng có khả năng gây nguy hại như nhóm thuốc lá, rượu và cần có biện pháp để kiểm soát đặc biệt.
Quy định mới này được xem là đứa con tin thần của Lu Shiow-yen, một thành viên thuộc Quốc hội Đài Loan.
Đài Loan không phải là quốc gia Châu Á đầu tiên ra quy định nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ game và internet.
Tại Trung Quốc, có 648 triệu người sử dụng internet, trong đó có ít nhất 24 triệu người trẻ "nghiện internet". Chính quyền nước này cũng đã tổ chức nhiều trại cai nghiện internet và áp dụng nhiều biện pháp khác nhằm giải quyết tình hình.
Năm 2010, Bắc Kinh đã yêu cầu các nhà phát triển game phải có "những giải pháp kỹ thuật" nhằm hạn chế thời gian chơi game của trẻ vị thành niên, tránh để chúng nghiện ngập.
Cụ thể, những người chơi game trực tuyến vượt quá thời gian quy định sẽ bị phạt bằng cách trừ đi các thông số kỹ năng của nhân vật trong game. Có nghĩa là nếu chơi quá thời gian quy định, nhân vật trong game của bạn sẽ không mạnh thêm mà còn bị tụt hạng.
Tháng 12 năm 2013, Chính quyền Trung Quốc ra tiếp một quy định với nội dung: "Cha mẹ hoặc người chăm sóc khác nên phòng ngừa và ngăn chặn trẻ vị thành niên hút thuốc, uống rượu, lang thang trên đường phố hoặc chơi game trực tuyến thâu đêm".
Ở Việt Nam hiện nay, trình trạng trẻ em nghiện game, internet cũng đã phổ biến, trở thành nỗi lo của các bậc phụ huynh và toàn xã hội.
Thiết nghĩ, để giải quyết vấn đề này không chỉ cần có các quy định pháp luật cụ thể mà còn phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lí thời gian, nội dung mà trẻ em truy cập trên internet.