Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (sửa đổi), Nghị quyết Đại hội và ra mắt Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khoá XIII gồm 155 đại biểu đại diện cho các cấp Hội phụ nữ trong cả nước.
Với 100% Ủy viên Ban Chấp hành có mặt đã biểu quyết bầu, bà Hà Thị Nga, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII là Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII.
Theo Ban tổ chức Đại hội, thành công của Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII được thể hiện trên 5 phương diện.
Thứ nhất, quá trình chuẩn bị mọi mặt để tổ chức Đại hội, nhất là việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội phụ nữ toàn quốc XIII được tiến hành công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp.
Báo cáo Chính trị được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu vận dụng chủ trương, định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chiến lược, các chương trình Mục tiêu quốc gia có liên quan trực tiếp tới công tác phụ nữ và bình đẳng giới; các luận cứ, chứng cứ khoa học, căn cứ thực tiễn thông qua triển khai 19 đề tài, 7 chuyên đề nghiên cứu và 4 hội thảo khoa học cấp quốc gia, vùng miền, chuyên đề, các hội thảo tham vấn ý kiến của chuyên gia đầu ngành; Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035; Phát huy dân chủ trí tuệ thông qua lấy ý kiến đóng góp từ Đại hội phụ nữ 3 cấp; Tổ chức 42 cuộc họp/hội thảo xin ý kiến Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các chuyên gia, đại diện các ban Đảng, bộ, ngành, đoàn thể.
Trong quá trình soạn thảo Báo cáo chính trị, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Ban Bí thư, cập nhật được sự thay đổi của tình hình, nhất là tác động của đại dịch Covid-19.
Có thể khẳng định, Báo cáo chính trị Đại hội đã quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, kết tinh được trí tuệ, phản ánh nguyện vọng, nhu cầu thiết thân, khát vọng phát triển của các tầng lớp phụ nữ và tổ chức Hội.
Dự thảo Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Điều lệ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong nhiệm kỳ 2017-2022, Ban tổ chức Đại hội đã dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và lấy ý kiến đóng góp tại Đại hội phụ nữ 3 cấp (cấp cơ sở, huyện, tỉnh), lấy ý kiến của Ban Thường vụ Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cấp tỉnh; tổ chức các cuộc họp, hội thảo xin ý kiến Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII, các chuyên gia, đại diện các ban Đảng, bộ, ngành, đoàn thể; tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến nguyên lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ.
Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành khóa XII đã được xây dựng, thảo luận trong Ban Chấp hành và lấy ý kiến góp ý của các Ban xây dựng Đảng, tập trung vào 3 nội dung: Kiểm điểm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ; Kiểm điểm việc thực hiện quy chế làm việc và Kiểm điểm việc rèn luyện, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với 5 bài học kinh nghiệm được rút ra sau 5 năm thực hiện nhiệm vụ của Ban Chấp hành.
Thứ hai, sự thành công về công tác nhân sự, kỹ lưỡng, nhiều mặt, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm để Đại hội bầu được Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII có đủ phẩm chất, năng lực đảm nhận được nhiệm vụ nhiệm kỳ tới.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII gồm 155/163 uỷ viên, đảm bảo tính kế thừa, liên hiệp, đại diện tiêu biểu cho các lực lượng phụ nữ trong cả nước, có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, tâm huyết và cam kết vì sự nghiệp bình đẳng giới, sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất, các Uỷ viên Ban Chấp hành tham gia tập trung thảo luận dân chủ với tinh thần dân chủ xây dựng về Đề án nhân sự Đoàn Chủ tịch, Đề án nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khoá XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Thứ ba, hình thức thảo luận, trao đổi thông tin cũng được đổi mới trong kỳ Đại hội lần này. Tại Đại hội đã có 62 tham luận dạng bài viết và video clip được tập hợp thành kỷ yếu để các cấp Hội tiếp tục nghiên cứu, áp dụng trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội. Trong đó, có 18 tham luận và 10 clip trình bày tại các phiên toàn thể của Đại hội.
Bên cạnh các tham luận trình bày trong các phiên toàn thể, chiều 10/3, Đại hội tổ chức 5 Trung tâm thảo luận với các chủ đề về: Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới; Phụ nữ trong nền kinh tế số; Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.
Với cách làm này, đại biểu Đại hội có cơ hội được thảo luận, tham luận theo các chủ đề mình quan tâm và tiếp cận với nhiều chủ đề khác nhau phù hợp với lĩnh vực công việc, đồng thời có nhiều thời gian để trao đổi, bàn luận về những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả phương hướng hoạt động trong 5 năm tới.
Thứ tư, công tác tuyên truyền trước, trong sau Đại hội được thực hiện rầm rộ, khí thế ở tất cả các cấp Hội trong cả nước. Nhiều tỉnh/ thành phố phổ biến tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ theo dõi truyền hình trực tiếp phiên khai mạc Đại hội, phát trailer về Đại hội trên các trang fanpage, nhiều tin bài, phóng sự về Đại hội được đăng tải thực hiện trên các Đài, báo trung ương và địa phương.
Thứ năm là khâu tổ chức Đại hội về hậu cần, an ninh đảm bảo chu đáo, an toàn. Trong quá trình tổ chức, Đại hội đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đơn vị, tổ chức đã đồng hành cùng Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để tổ chức thành công sự kiện.