Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII: "Đoàn kết - Nhân văn - Sáng tạo - Phát triển"

GD&TĐ - Sáng 10/3, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).

Góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự buổi lễ. Dự Đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài.

Dự Lễ khai mạc còn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương và địa phương. 

Đại hội vinh dự nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. 

Các đại biểu dự lễ khai mạc Đại hội.
Các đại biểu dự lễ khai mạc Đại hội.

Phát biểu khai mạc, bà Hà Thị Nga, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định, Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của các tầng lớp phụ nữ cả nước, đánh dấu sự phát triển của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Bà Hà Thị Nga điểm lại, trong nhiệm kỳ qua, Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ; Nhiều văn bản Luật được ban hành, sửa đổi đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và nguyên tắc bình đẳng giới; Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; phê duyệt các chương trình Mục tiêu quốc gia với nhiều nội dung quan trọng, tạo cơ hội hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện và từng bước thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới một cách thực chất…

Đặc biệt, trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh "thực hiện bình đẳng giới là một tiêu chí của tiến bộ, văn minh", điều đó tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tầng lớp phụ nữ đã nỗ lực vươn lên, không ngừng sáng tạo và đổi mới, phong trào phụ nữ và công tác Hội đạt nhiều kết quả quan trọng.

Vai trò chủ thể của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định. Hoạt động của tổ chức Hội đã được đổi mới, linh hoạt, bám sát nhu cầu thiết thân của phụ nữ và nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị, được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao.

Bà Hà Thị Nga cũng khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động của tổ chức Hội.

Bà Hà Thị Nga, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Đại hội.
Bà Hà Thị Nga, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Đại hội.

Từng cán bộ, hội viên phụ nữ phải không ngừng nỗ lực học tập, lao động sáng tạo, chủ động tham gia vào nền kinh tế số, xã hội số và hội nhập quốc tế; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Tổ chức Hội tiếp tục đoàn kết, vận động, tập hợp, khơi dậy khát vọng vươn lên và tiềm năng to lớn của phụ nữ, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ của Đảng, là thành viên có trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế, Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN.

Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện các kết quả, hạn chế và nguyên nhân; rút ra những bài học kinh nghiệm thật sự sâu sắc sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ 12; tập trung trí tuệ, dân chủ thảo luận để xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027; thông qua Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội khoá XIII thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, trí tuệ, sức sáng tạo, đủ năng lực lãnh đạo hoàn thành những nhiệm vụ to lớn của phong trào phụ nữ và công tác Hội trong nhiệm kỳ tới.

Với tinh thần "Đoàn kết - Nhân văn - Sáng tạo - Phát triển", bà Hà Thị Nga tin tưởng, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sẽ thực sự tạo nên những đột phá nhằm khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng to lớn của các lực lượng phụ nữ Việt Nam, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của phụ nữ

Báo cáo tại Đại hội, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp phụ nữ đã đoàn kết, kiên cường, nỗ lực góp phần tạo nên những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới có những tiến bộ rõ nét, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ khẳng định phẩm chất tốt đẹp, tiềm năng to lớn và vai trò quan trọng trong gia đình, xã hội. 

Các tầng lớp phụ nữ đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo vươn lên, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy vai trò làm chủ, tham gia tích cực vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; lực lượng lao động nữ, nữ trí thức, nữ doanh nhân đã đóng góp đáng kể vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, chương trình quốc gia khởi nghiệp.

Với nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước, đặc biệt, lần đầu tiên kể từ khi đất nước thực hiện công cuộc Đổi mới, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%. Phụ nữ ngày càng ý thức được trách nhiệm và quyền công dân, phát huy quyền làm chủ, tham gia tích cực trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Các đại biểu đến từ mọi miền đất nước tham dự Đại hội.
Các đại biểu đến từ mọi miền đất nước tham dự Đại hội.

Phụ nữ ngày càng ý thức được trách nhiệm và quyền công dân, phát huy quyền làm chủ, tham gia tích cực trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Trong bối cảnh thiên tai và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phụ nữ cả nước bằng tấm lòng yêu thương, nhân ái, đã phát huy cao độ trách nhiệm công dân, tham gia trên mọi mặt trận góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, ổn định cuộc sống.

Phụ nữ tiếp tục thực hiện tốt thiên chức người mẹ, người thầy đầu tiên của con người, là điểm tựa tinh thần, gắn kết yêu thương và chia sẻ trách nhiệm chăm lo xây dựng gia đình. Bằng tình yêu thương và trách nhiệm, phụ nữ đã trao truyền các giá trị văn hóa gia đình, đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, trọng tâm là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được triển khai đồng bộ, toàn diện, đã đóng góp đáng kể vào kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đáng chú ý, có 13 triệu gia đình hội viên đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”, gần 17 nghìn công trình/phần việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai rộng khắp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và khẳng định vai trò của tổ chức Hội ở cơ sở.

Với chủ đề xuyên suốt trong hơn nửa nhiệm kỳ, “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, các cấp Hội đã triển khai nhiều mô hình, ký kết phối hợp hoạt động góp phần nâng cao trách nhiệm của xã hội và gia đình trong xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Đồng thời, tạo nguồn lực cho các cấp Hội thực hiện nhiệm vụ chính trị và lồng ghép giới trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; vận động gần 500 tỷ đồng, 730 nghìn phần quà san sẻ yêu thương cho hội viên, phụ nữ và nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh, nhận làm mẹ đỡ đầu trên 5000 trẻ mồ côi; hơn 700 tỷ đồng xây dựng và sửa chữa mái ấm tính thương, trên 3.000 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.

Trong nhiệm kỳ, Trung ương Hội đã tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành 3 Đề án, cụ thể hóa nội dung hỗ trợ phụ nữ trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia; các tỉnh, thành Hội tham mưu, đề xuất xây dựng hơn 600 chính sách thiết thân đối với phụ nữ, qua đó huy động nguồn lực và sự tham gia của các cấp, các ngành vào công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

Đặc biệt lần đầu tiên Hội được phân công chủ trì triển khai dự án thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trong Chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác Hội và phong trào phụ nữ còn một số hạn chế, khó khăn. Phong trào phụ nữ chưa đồng đều trên mọi lĩnh vực, vùng miền, đối tượng, chưa khơi dậy và phát huy đầy đủ tiềm năng, sức sáng tạo của một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ có tầm ảnh hưởng, phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận phụ nữ còn khó khăn, nhất là sau ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; tỷ lệ phụ nữ nông thôn được đào tạo nghề còn thấp. Môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em có mặt chưa bảo đảm; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, bạo lực với phụ nữ, buôn bán phụ nữ, xâm hại trẻ em đáng báo động.

Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trình bày báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành Trung ương Hội khoá XII.
Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trình bày báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành Trung ương Hội khoá XII.

Một bộ phận phụ nữ chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động; còn tình trạng phụ nữ thiếu hiểu biết pháp luật, sa vào tệ nạn xã hội, rời xa trách nhiệm với gia đình và xã hội. 

Về phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục bám sát, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, căn cứ thực tiễn và yêu cầu của phong trào phụ nữ trong giai đoạn mới; phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của phụ nữ, đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng hành giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ là nhiệm vụ xuyên suốt.

Bên cạnh đó, tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện là nhiệm vụ then chốt để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Diệu kỳ Điện Biên

GD&TĐ - Có thể nói trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những đường chiến hào vây, đánh lấn đã trở thành kỳ tích huyền thoại.