Những khoản tiền này do các tỷ phú, doanh nghiệp đóng góp giúp các cơ sở giáo dục tiếp tục nâng cao chất lượng.
Tháng 11/2023, ông Lei Jun, tỷ phú “cha đẻ” của Công ty Xiaomi, đã tuyên bố quyên góp 1,3 tỷ nhân dân tệ cho Đại học Vũ Hán, nơi ông tốt nghiệp cử nhân Khoa học máy tính vào năm 1991. Đây là khoản quyên góp cá nhân lớn nhất được trao cho một trường đại học Trung Quốc.
Về phía Đại học Vũ Hán, nhà trường cho biết sẽ sử dụng khoản quyên góp để “đổi mới công nghệ và bồi dưỡng nhân tài”. Khoản đầu tư sẽ giúp đào tạo nhiều kỹ sư, nhà khoa học và doanh nhân công nghệ ưu tú, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác cũng được nhận trợ cấp từ nguồn kinh phí, bao gồm Toán học, Vật lý, Hóa học, Văn học, Lịch sử và Triết học. Bản thân Lei cũng tiết lộ khi học tại trường, ông cũng nhận được học bổng chi trả học phí từ một doanh nghiệp.
Sau đó một tháng, ông Duan Yongping, đồng sáng lập các công ty điện thoại thông minh Oppo và Vivo, đã công bố quyên góp một tỷ nhân dân tệ cho trường cũ là Đại học Chiết Giang.
Cùng tháng 12, ông Yang Yuanqing, Chủ tịch Công ty máy tính và điện tử tiêu dùng Lenovo, đã quyên góp khoảng 28 triệu USD cho Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, nơi ông theo học thạc sĩ. Đây là khoản tiền quyên góp lớn nhất từ trước đến nay mà trường đại học nhận được. Trước đó, năm 2020, ông Yang cũng ủng hộ 1,4 triệu USD cho quỹ nghiên cứu về Covid-19 của nhà trường.
Ông Yang cũng quyên góp không ít cho Đại học Giao thông Thượng Hải và Đại học Thanh Hoa, ngôi trường hàng đầu Trung Quốc.
Tương tự, tỷ phú He Xiangjian, người sáng lập Tập đoàn thiết bị gia dụng Midea, đã chi 3 tỷ nhân dân tệ để thành lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học vào năm 2023. Quỹ sẽ hỗ trợ các nhà nghiên cứu ở một số trường đại học trong nhiều lĩnh vực như biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo...
Trước đó, ông Cao Dewang, Chủ tịch Tập đoàn Fuyao, đã quyên góp 10 tỷ nhân dân tệ thông qua quỹ từ thiện của mình để xây dựng Đại học Khoa học và Công nghệ Fuyao. Là trường đại học phi lợi nhuận, nơi đây tập trung đào tạo về khoa học và kỹ thuật ứng dụng.
“Tôi sẽ sử dụng tên tuổi và danh tiếng của mình để thu hút sự đóng góp của xã hội như một nguồn tài trợ chính của trường trong tương lai. Mục tiêu là phục vụ đất nước và nhân dân. Giáo dục không phải là một công việc kinh doanh”, ông Cao bày tỏ.
Gần đây, từ thiện, nhất là từ thiện cho giáo dục, đã trở thành mục tiêu của giới giàu có Trung Quốc nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình về “sự thịnh vượng chung”. Việc các tỷ phú quyên góp tiền cho các trường đại học đã trở thành một nguồn tài trợ chính của nhà trường.
Với số tiền này, các trường thường có xu hướng đầu tư vào nghiên cứu khoa học; mở rộng quỹ học bổng cho sinh viên nghèo, sinh viên có thành tích xuất sắc; nâng cao khả năng bồi dưỡng và đào tạo nhân tài... Nó cũng góp phần làm giảm gánh nặng cho các trường nếu phải phụ thuộc quá nhiều vào tài trợ của Chính phủ Trung Quốc.
Theo Danh sách từ thiện Hurun Trung Quốc năm 2023, khoảng 34 cá nhân giàu có ở Trung Quốc đã quyên góp hơn 100 triệu nhân dân tệ trong năm 2023. Giáo dục là lĩnh vực nhận được quyên góp nhiều nhất, chiếm 58% số tiền tài trợ.