(GD&TĐ) - Kết quả kỳ thi ĐH, CĐ 2009 đã được công bố rộng rãi. Tuy mới chỉ có một số trường công bố điểm chuẩn, nhưng căn cứ vào điểm thi và số chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, thí sinh cũng có thể đoán được mình nằm ở khoảng nào trong phân cách đỗ-trượt nghiệt ngã của mỗi kỳ thi. Theo con số của Bộ GD&ĐT thì hàng năm chỉ khoảng trên dưới 20% thí sinh tham dự các kỳ thi ĐH, CĐ có quyền hân hoan bước vào cổng trường ĐH. Cho dù chỉ tiêu năm nay cao hơn năm trước nhưng cổng trường ĐH vẫn "cao vời vợi" với không ít thí sinh.
Học viên đang học nghề sửa chữa điện tử |
Một câu hỏi được đặt ra rằng tương lai nào cho các thí sinh không đỗ vào ĐH, CĐ?
Điều không thể phủ nhận rằng trong một xã hội chuộng bằng cấp như ở Việt Nam hiện nay, những thí sinh thi trượt ĐH đã phải chịu những sức ép không nhỏ từ phía gia đình, xã hội và từ chính bản thân các em. Tất cả các bậc phụ huynh đều mong ước con họ đỗ vào ĐH, trong số đó, không ít người xem việc vào học đại học là con đường duy nhất để tiến thân. Quan niệm ấy vô hình trung đã gây áp lực tâm lý rất lớn và mỗi kỳ thi ĐH thực sự là một cuộc chiến mang ý nghĩa sống còn với mỗi thí sinh. Những năm trước, có em thi trượt ĐH không chịu nổi áp lực từ nhiều phía đã có những suy nghĩ dại dột dẫn đến quyên sinh.
Mơ ước vào ĐH "khát" đến nỗi, nếu thí sinh không đỗ thẳng vào ĐH thì các bậc phụ huynh cũng bằng mọi cách cố thu xếp cho con cái của họ một chỗ ngồi trong các giảng đường ĐH thuộc hệ tại chức, dân lập hay tư thục...
Thực ra, nếu bình tĩnh ngẫm lại, ta thấy vấn đề học hay không học ĐH không đến mức nghiêm trọng như vậy. Vẫn biết, chương trình đào tạo ở ĐH sẽ trang bị cho sinh viên thế giới quan, phương pháp luận khoa học, giúp họ vững bước trên con đường đời. Tuy nhiên, ĐH không phải là con đường duy nhất đến với thành công. Không ít sinh viên ra trường mà chẳng sử dụng được chuyên môn, dẫn đến khó có thể xin được việc. Mới đây (ngày 13/5/2009), Hãng Reuters có bài viết về thực trạng khó khăn của các công ty nước ngoài trong việc tuyển dụng những nhân viên có tay nghề cao ở Việt Nam. Reuters lấy chuyện tuyển chọn nhân viên của tập đoàn Intel cách đây 1 năm làm ví dụ. Khi đó, Intel đã mời 2000 sinh viên xuất sắc của 5 trường ĐH hàng đầu ở Việt Nam tham gia tuyển chọn và kết quả chỉ có số ít người trúng tuyển. Đấy là những ngành công nghệ cao được qua hệ thống kiểm tra hết sức khắt khe của các doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế đào tạo ĐH ở nước ta đang cho ra lò không ít sinh viên ở dạng "thầy không ra thầy, thợ không ra thợ".
Bao nhiêu năm thống trị bởi tư duy bắt buộc phải vào ĐH, nước ta đang thừa những kỹ sư, cử nhân yếu kém và thiếu đội ngũ công nhân có tay nghề cao. Trong bối cảnh kinh tế phát triển, mức độ hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng, đội ngũ công nhân kỹ thuật cao ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng. Tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" trong tất cả các ngành, nghề đang là một thực tế phổ biến ở Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, Nhà nước cũng đang có những ưu tiên đặc biệt đối với khối trường nghề trong chiến lược tái cơ cấu lao động. Nếu không vào được ĐH, đi học nghề có sao đâu! Thực tế ở nước ta không thiếu những thợ giỏi với danh hiệu "bàn tay vàng", không thiếu những ông vua bếp đã và đang mang lại vinh quang cho tổ quốc. Những người ấy đâu có bắt buộc phải vào đời qua cổng trường ĐH!?
"Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", câu nói của người xưa vẫn còn nguyên giá trị. Trượt ĐH không hẳn là kém cỏi. Trong xã hội có nhiều vị trí không cần đến những người tốt nghiệp ĐH. Điều quan trọng là chúng ta làm được cái gì và cống hiến cho xã hội như thế nào mà thôi!
Thụy Anh