ĐH Đà Nẵng vừa công bố thông tin đăng ký xét tuyển vào đại học hệ chính quy năm 2018 của các cơ sở giáo dục đại học thành viên.
Cụ thể, ĐH Đà Nẵng có các cơ sở giáo dục thành viên xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông quốc gia gồm: Trường Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại Ngữ, Đại học sư phạm, Đại học sư phạm Kỹ thuật, Phân hiệu Đai học Đà Nẵng tại Kontum, Khoa Y Dược, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông, Khoa giáo dục thể chất.
Trường Đại học Bách khoa: Thí sinh có kết quả điểm thi 3 môn từ 18 điểm trở lên mới được tham gia xét tuyển vào trường. Riêng 2 chương trình tiên tiến gồm Điện tử viễn thông và Hệ thống nhúng, thí sinh phải đạt 24 điểm trở lên (môn tiếng Anh tính hệ số 2); chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp, thí sinh phải đạt 36 điểm trở lên (môn Toán hệ số 3 và môn Vật lý hệ số 2) mới được tham gia xét tuyển.
Trường ĐH Bách khoa năm nay tuyển sinh 38 ngành với chỉ tiêu dự kiến là 3.180 chỉ tiêu. Các tổ hợp xét tuyển gồm: Toán – Hóa học – Vật Lý, Toán – Hóa Học – Tiếng Anh, Toán – Vật Lý – Tiếng Anh, Vẽ mỹ thuật – Toán – Ngữ Văn… Trường cũng đã công bố áp dụng tiêu chí phụ đối với thí sinh bằng điểm nhau ở tất cả các ngành.
Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng: sẽ tuyển 2.920 chỉ tiêu ở 16 ngành. Điểm xét tuyển đầu vào sẽ công bố sau khi có kết quả thi trung học phổ thông quốc gia.
Năm 2018 phương án tuyển sinh của trường ĐH Kinh tế không thay đổi; trường tuyển sinh hai ngành mới là Ngành Thống kê Kinh tế và Ngành Thương mại Điện tử (trước đây là chuyên ngành).
Ngành Thương Mại Điện tử cùng với Du lịch là hai ngành sẽ đào tạo theo quy chế đặc thù với sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, theo quy định mới của Bộ. Theo đó, người học sẽ được tăng 50% thời gian thực hành tại các doanh nghiệp bên cạnh 50% thời gian được đào tạo kiến thức ở trường.
Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng: sẽ tuyển 2.174 chỉ tiêu với 32 ngành đào tạo. Ngoài ra, nhà trường cũng áp dụng tiêu chí phụ đối với thí sinh bằng điểm nhau theo hướng ưu tiên theo thứ tự môn xét tuyển trong tổ hợp.
Điểm đảm bảo chất lượng đầu vào của các ngành phải có điểm môn thứ tự ưu tiên trong các tổ hợp xét tuyển từ 5 điểm trở lên. Điển hình như ngành: giáo dục tiểu học thì môn Toán>= 5 điểm.
Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng: tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu với 17 ngành đào tạo. Các tổ hợp xét tuyển bao gồm: Toán – Ngữ Văn – Tiếng Anh (hệ số 2), Toán – Khoa học xã hội – Tiếng Pháp, Toán – Ngữ Văn – Tiếng Trung Quốc, Toán – Ngữ Văn – Tiếng Nhật…
Nhà trường áp dụng tiêu chí phụ đối với các thí sinh bằng điểm. Trong đó, ưu tiên môn ngoại ngữ. Nhà trường cũng công bố điểm chuẩn đảm bảo chất lượng đầu vào sau kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng: sẽ tuyển 1.000 chỉ tiêu với 8 ngành. Đây là trường vừa được nâng cấp từ trường Cao đẳng công nghệ Đà Nẵng và Khoa sư phạm kỹ thuật của trường Đại học Bách khoa.
Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum: tuyển sinh 462 chỉ tiêu với 13 ngành đào tạo.
Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh: tuyển 100 chỉ tiêu với 3 ngành: quản trị và kinh doanh quốc tế, khoa học và kỹ thuật máy tính, khoa học y sinh.
Khoa Y - Dược: tuyển sinh 250 chỉ tiêu với 4 ngành.
Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông: tuyển sinh 350 chỉ tiêu với 4 ngành.
Khoa Giáo dục thể chất: tuyển 15 chỉ tiêu ngành giáo dục thể chất. Tiêu chí phụ xét điểm thi năng khiếu.
Ngoài sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, ĐH Đà Nẵng có 6 cơ sở giáo dục đại học thành viên xét tuyển theo học bạ, trong đó, trường Đại học sư phạm có 15 ngành với 450 chỉ tiêu; Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật xét tuyển 7 ngành với 200 chỉ tiêu, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum có 12 ngành 390 chỉ tiêu; Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh có 3 ngành với 80 chỉ tiêu, Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông có 4 ngành với 150 chỉ tiêu, Khoa Giáo dục thể chất 1 ngành với 15 chỉ tiêu.