Đại học đa lĩnh vực - xu hướng được nhiều nước lựa chọn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần có các đại học đa lĩnh vực đích thực. 

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia nghiên cứu khoa học. Ảnh: NTCC
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia nghiên cứu khoa học. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, để đại học đa lĩnh vực thực sự trở thành những “quả đấm thép” của giáo dục đại học Việt Nam, nhằm đón nhận những sứ mệnh cao hơn trước đà phát triển của đất nước, cần tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp.

Không phải trường nào cũng có thể trở thành đại học

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1512/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là trường đại học đầu tiên chuyển từ trường lên đại học sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật này có hiệu lực (Nghị định 99).

Trước đó, ngày 15/10/2021, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố quyết định thành lập 3 trường trực thuộc, gồm: Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông; Trường Cơ khí; Trường Điện - Điện tử.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, phát triển thành Đại học Bách khoa Hà Nội bảo đảm triết lý “một Bách khoa”, cải cách bộ máy tổ chức, xây dựng mô hình quản trị tiên tiến, tạo động lực cho đổi mới và phát triển. Mục tiêu cụ thể là: Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ 3 lĩnh vực: Cơ khí; Công nghệ thông tin và Truyền thông; Điện - Điện tử.

Các trường trực thuộc sẽ thực hiện đào tạo và nghiên cứu tốt nhất để mỗi nhóm ngành tương ứng được xếp thứ hạng 300 - 400 của thế giới theo bảng xếp hạng QS vào năm 2025. Ngoài ra, các trường tiếp tục là đơn vị mũi nhọn, tổ chức sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội. Đồng thời, giữ vững vị thế là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ số một Việt Nam, hàng đầu khu vực và có uy tín trên quốc tế trong các lĩnh vực tương ứng.

“Dù là trường đại học, hay đại học thì mấu chốt của vấn đề vẫn phải là uy tín, chất lượng và những đóng góp cho xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước? - GS.TS Trần Đức Viên nhấn mạnh, đồng thời khẳng định không phải trường nào cũng có thể trở thành đại học.

GS.TS Trần Đức Viên - Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, đây vừa là vinh dự và cũng vừa là trách nhiệm nặng nề của Đại học Bách khoa Hà Nội đối với xã hội trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn.

Để trở thành đại học, các trường phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể: Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp. Có ít nhất 3 trường trực thuộc được thành lập theo quy định. Có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ. Quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người. Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập. Có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC

Nét nổi trội của đại học đa lĩnh vực

GS.TS Trần Đức Viên viện dẫn, Luật số 34 quy định, trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này. Còn đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

Theo khái niệm trên, trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Còn đại học là một cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực. Trong mỗi lĩnh vực có thể có nhiều ngành. Đại học là tổ chức giáo dục có các trường đại học thành viên. Còn trường đại học có thể là một cơ sở giảng dạy đại học độc lập hoặc là thành viên của một đại học vùng, chuyên cung cấp các chương trình đào tạo bậc đại học.

Để các đại học đa lĩnh vực thực sự trở thành những “quả đấm thép” của giáo dục đại học Việt Nam, nhằm đón nhận những sứ mệnh cao hơn trước đà phát triển của đất nước, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, về mặt thể chế, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của mình.

Điều này có nghĩa, đại học là cấp cao hơn, trong đại học sẽ bao hàm các trường đại học. Thực tế, Việt Nam hiện có 2 đại học Quốc gia là: Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. 3 đại học vùng gồm: Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng.

TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, tất cả đại học đa lĩnh vực phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, với một hệ thống quản trị 3 cấp là: Đại học, trường và khoa. Tức là theo mô hình các University của Hoa Kỳ. Thực tế, đại học đa lĩnh vực là mô hình phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại Anh quốc, các quốc gia Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada), Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc...), Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia…).

Theo TS Lê Viết Khuyến, nét nổi trội của các đại học đa lĩnh vực là bao quát được nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau nên cho phép huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống để giải quyết nhiệm vụ to lớn về đào tạo và nghiên cứu khoa học mà một trường đại học chuyên ngành không thể đảm đương nổi. Đồng thời tạo cơ hội cho từng giảng viên đi sâu vào chuyên môn của mình, cho phép người học được lựa chọn người thầy giỏi nhất.

Mô hình đại học cũng cho phép nhà trường mở ra các chương trình liên ngành một cách nhanh nhất. Chính vì vậy, đại học đa lĩnh vực thường được nhiều nước trên thế giới ưu tiên lựa chọn. Tại nhiều nước, đặc biệt ở các nước đang phát triển, có khuynh hướng chuyển đổi trường đại học chuyên ngành thành các đại học đa lĩnh vực.

“Trong chiến tranh, chúng ta đã từng thành lập các quân đoàn (bao gồm nhiều sư đoàn, lữ đoàn trực thuộc) để đánh hợp đồng binh chủng. Trong kinh tế chúng ta đã có các tập đoàn quốc gia (bao gồm nhiều công ty, tổng công ty thuộc các ngành nghề khác nhau). Vì vậy, trong giáo dục đại học cần có các đại học đa lĩnh vực đích thực”, TS Lê Viết Khuyến nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.