“Mong học sinh nghèo không thất học”
Đó là câu anh chia sẻ nhiều nhất trong cuộc trò chuyện. Anh kể rằng, ngày trước gia đình anh nghèo lắm, lại đông anh em. Thế nên, việc có một chiếc xe đạp để đi học dường như là ước mơ xa vời. Ba má anh nhiều lần hứa, ráng gượng xong vụ gặt này, xong đàn vịt kia…, nhưng vì nghèo quá nên chưa bao giờ ước mơ đó thành sự thật. Rồi anh nghỉ học, thành ra mù chữ. Anh nói, đến tận bây giờ, đó là điều anh tiếc nuối nhất.
Vì vậy, anh chỉ mong sao học sinh nghèo không vì chuyện không có phương tiện đi lại mà phải nghỉ học giữa chừng. “Mình may mắn có được một công việc dù chỉ là lao động chân tay, có một chỗ để ở dù là nhà thuê. Dù còn nghèo, phải rau cháo qua bữa nhưng mình cũng nuôi được các con mình. Mình hiểu cảm giác của con trẻ khi phải dang nắng dầm mưa đi học như mình ngày xưa. Nên chỉ mong làm được việc gì đó giúp phần nào các em” - anh Thái chia sẻ.
Một lần tình cờ, anh nghe được cuộc nói chuyện giữa hai cha con xóm trọ. Cậu bé phàn nàn chuyện ba cậu hứa mua xe đạp mà chưa thực hiện, còn ba cậu thì nói để xong công trình sẽ mua. Ba mẹ cậu bé đều làm phụ hồ, nghèo lắm. Anh biết, có thể giống như anh ngày xưa, lời hứa ấy chỉ để an ủi nỗi lòng bé thơ mà thôi.
Rồi anh nghĩ, sao mình không làm một chiếc xe đạp cũ để tặng cậu bé. Nghĩ là làm, anh bắt đầu mua lại một chiếc xe đạp cũ từ bà bán ve chai, sơn sửa lại như mới rồi đem tặng lại cho cậu bé. “Khỏi phải nói cậu bé đó vui như thế nào. Nhìn nó vui sướng, mình cũng âm ỉ vui theo suốt bao nhiêu ngày…”, anh kể. Lần ấy là vào năm 2004.
Suốt từ đó đến nay, vì ánh mắt bé thơ ấy mà anh đã “gói ghém” những chiếc xe đạp cũ thành món quà dành cho những cô bé, cậu bé nghèo. Cứ thấy xe đạp cũ bán đi anh lại mua về, nhặt nhạnh, sửa sang cho tốt rồi tìm học sinh nghèo để tặng. Anh lên trường, xin danh sách học sinh nghèo rồi về dốc sức làm, dốc sức tậu xe đạp cũ, lấy đó làm học bổng cho học sinh nghèo. Nhiều học sinh nghèo ở tít Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Bình Dương…, anh cũng gửi xe về tặng. “Chỉ tiếc là sức mình có hạn nên chưa thể có nhiều xe đạp để dành tặng hết các bé…” - anh trăn trở.
Ai xin là cho
Không chỉ riêng học sinh nghèo, anh còn dành tặng những chiếc xe đạp cũ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Với anh, chỉ cần người ta cần, thì trong khả năng của mình anh luôn sẵn sàng giúp, không kể họ ở đâu, làm gì.
Có người bán vé số ở Bình Dương gọi điện nói vợ bị mù còn bản thân thì yếu nên khó khăn trong việc đi lại muốn xin anh một chiếc xe đạp cũ để đi bán vé số được dễ dàng. Anh đã đạp xe từ Sài Gòn xuống tận Bình Dương để gửi tặng. Có người đàn ông ở Bạc Liêu, cũng nghèo, nghe người ta mách có ông Thái ở Sài Gòn chuyên tặng xe đạp cũ cho người nghèo nên gom góp tiền lên tận Sài Gòn gặp anh. Anh cũng tặng cho một chiếc xe đạp, rồi tặng thêm tiền xe về lại Bạc Liêu, tặng thêm tiền cước gửi xe đạp.
Hỏi anh từ ngày đó đến giờ, anh có nhớ đã tặng bao nhiêu chiếc xe đạp cũ không. Anh hồn nhiên nói, mình đâu biết chữ mà ghi với chép. Với lại, đó là việc làm từ tâm, cũng không muốn nhớ làm gì.
Lại hỏi anh, tiền đâu mà anh làm từ thiện trong khi nhà còn đi thuê, con lại đông? Anh kể, mỗi ngày sửa xe anh đều dành dụm ra chút ít, như cách người ta bỏ ống heo vậy. Có khác là người ta tích cóp để mua đất, làm nhà. Còn anh tích cóp để mua xe đạp cũ, như một cách để làm việc thiện giúp đời và một cách để làm đẹp cho xã hội.
Anh nói, ban đầu việc anh làm vợ con không hề hay biết. Cứ nghĩ anh làm để bán. Vợ anh còn hỏi thế tiền bán xe đạp đâu rồi. Anh thường nói dối vợ rằng đã mua phụ tùng hết. Rồi khi người ta đến nhà cảm ơn, vợ anh mới vỡ lẽ ra. “Vợ chỉ cằn nhằn rằng sao việc mình làm là việc tốt mà mình lại giấu vợ. Đến bây giờ thì cả hai vợ chồng đều chung tay vào làm công việc này” - anh Thái hồ hởi khoe.
Từ chiếc xe đạp đến chuyện dạy con
Cho đi, đó chính là cách nhận lại. Đó là điều mà người đàn ông mù chữ Lê Văn Thái nghiệm ra trong suốt mười mấy năm làm việc thiện. Có thể những chiếc xe đạp cũ đối với người này không là gì nhưng đối với người khác nó lại là cả một gia tài, một món quà bé xinh có thể ngắm mãi không chán. Và điều lớn lao nhất mà người đàn ông tứ tuần đó nhận được, đó chính là nhân cách đẹp, là cái nhìn đầy nhân văn đối với các con. Anh Thái nói, anh có thể là người cha ít học, là người cha nghèo nhưng luôn là người cha luôn dạy các con biết điều hay lẽ phải ở đời, là người cha cho các con giàu tình yêu thương.
Anh nói, các con anh học ở trường về thường kể lại rằng, có bạn nói với con rằng ba bạn cho mình chiếc xe đạp này nè. Anh hỏi, vậy con có vui không. Vui lắm ba à, con anh hào hứng. Nhìn ánh mắt hãnh diện của con, anh tin rằng cuộc đời mình đã làm được những điều thật tử tế. “Không mong các con giàu, chỉ mong các con sau này lớn lên làm những người tử tế”.