Tại họp báo về công tác quản lý thuế chiều 14/6, bà Tạ Thị Lan Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân trả lời một số nội dung liên quan tới quản lý thuế với những cá nhân bán hàng online.
Theo bà Phương, dự án Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua đã đưa vào nội dung quản lý thuế với các hoạt động kinh doanh trên. Theo đó, đưa vào yêu cầu trách nhiệm phối hợp của các ngân hàng thương mại, Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan thuế cho biết, để triển khai các nội dung còn nhiều khó khăn, đặc biệt với phía ngân hàng, họ phải thay đổi quy trình quản lý, để cung cấp thông tin cho thuế.
Trả lời câu hỏi về thói quen tiêu dùng tiền mặt có gây khó trong việc quản lý, giảm sát không, bà Lan cho rằng, không chỉ quản lý các cá nhân kinh doanh online, ngay cả với các doanh nghiệp, cơ quan thuế vẫn phải đối mặt với việc mua bán bằng tiền mặt, những trường hợp này không xuất hóa đơn.
Tuy nhiên, theo đại diện cơ quan thuế, với các trường hợp này, cơ quan chức năng quản lý theo hình thức dòng tiền, nguồn tiền và các thông tin liên quan để xác định quy mô, hình thức kinh doanh và ấn định thuế. Tức là, dù không thể đi theo quản lý từng đồng chi tiêu nhưng cơ quan thuế có cách quản lý.
"Cơ quan thuế hiện có cơ sở dữ liệu, ví dụ những người kinh doanh online họ vẫn có "gì đó" bên ngoài như kho hàng, địa điểm kinh doanh,... Với nhiều trường hợp, kinh doanh online chỉ là một trong các kênh bán hàng. Chúng tôi vẫn đang quản lý với những đối tượng như vậy. Họ không phải vô hình trên mạng", bà nói.
Bên cạnh đó, theo bà Lan, hiện tại cơ quan chức năng đang triển khai hóa đơn điện tử. Đó cũng là một kênh để quản lý. Vì thế, không phải người kinh doanh online cứ dùng tiền mặt là không quản lý được.
Về số lượng cá nhân kinh doanh online đã kê khai thuế, bà Lan cho hay: "Chúng tôi không chia nhóm như vậy. Số liệu cá nhân kinh doanh online thì có thể phải lấy số liệu bên Bộ Công Thương. Bộ Công Thương có quy định việc cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải đăng ký. Còn với đăng ký thuế, việc này được thực hiện theo ngành nghề, ví dụ như bán lẻ thời trang, chứ không có ngành nào là "kinh doanh online".
Ngoài ra, thông tin với báo chí tại buổi họp báo, ông Cao Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, năm 2019, ngành thuế sẽ tập trung, phấn đấu quyết liệt để hoàn thành vượt 5% nhiệm vụ thu NSNN năm 2019 đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao là 1.168.100 tỷ đồng, trong đó dầu thô là 44.600 tỷ đồng, thu nội địa là 1.123.500 tỷ đồng.
Về nộp thuế điện tử, Tổng cục Thuế đã phối hợp với 50 ngân hàng thương mại (đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế) và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Tính đến 31/5/2019, 99,93% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế.
Đối với hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế cho biết đã tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng.
Đáng chú ý, đó là ngành thuế đã triển khai mở rộng khai thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê tài sản. Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến hết tháng 5/2019, đã có hơn 51.000 tài khoản đăng ký dịch vụ, với số lượng tờ khai đã nộp là 193.903 tờ khai.