Nghệ thuật “độ” ai?

GD&TĐ - “Độ ta không độ nàng” - một bản nhạc với ca từ và giai điệu rất bình thường, đơn giản ở Trung Quốc, khi được đặt lời Việt với những màu sắc lâm ly bi đát hơn, bỗng dưng trở thành hiện tượng trên mạng xã hội của Việt Nam.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Độ ta không độ nàng” lời Việt xuất hiện trên mạng xã hội từ tháng Tư với dăm bảy bản cover khác nhau của các ca sĩ trẻ, và đến đầu tháng Sáu này thực sự trở nên hot với hàng triệu lượt xem khi Anh Duy, một ca sĩ trẻ chưa từng đi hát chuyên nghiệp, đầu tư nhiều thời gian công sức hơn với một serie nhạc và một phiên bản radio cho bài hát. Sự hào hứng của người xem, người nghe khiến ca sĩ cũng bất ngờ.

Lời bài hát là một câu chuyện tình éo le của một nhà tu hành với một cô gái, được phân tích là khi chuyển sang lời Việt trở nên kịch tính, khổ đau hơn nhiều so với bản gốc. Một vài vị tu hành ở Việt Nam đã bày tỏ lo ngại rằng bản dịch này đã tạo nên hình ảnh quá tiêu cực, bi đát, sai lầm về một tu sĩ hư cấu rơi vào cõi yêu đương, và có thể khiến người ta hiểu sai về Phật pháp. Âm nhạc của bài hát cũng quá đơn giản, dễ dãi, là một mô típ sáo mòn quen thuộc từ hàng chục năm nay.

Không quá tệ nhưng tất nhiên không có gì mới mẻ, xuất sắc. Thế nhưng bài hát vẫn thu hút số lượt nghe lên tới hàng triệu, phải chăng chính vì tâm lý thích những gì “sến sến”, đèm đẹp của công chúng?

Đọc lại, nghe lại âm nhạc của vài thập kỷ qua để tìm hiểu gu âm nhạc của người trẻ Việt, dường như có từ thập niên 1990 đến nay đã không có một sự biến đổi nào trong thẩm mỹ. Còn nhớ giới trẻ thời đó phát cuồng với những dòng nhạc trẻ nói đến cái tôi, đến cảm xúc riêng, đi vào những ngõ ngách tình cảm, sự cô đơn của bản thân sau một thời gian dài âm nhạc Việt chỉ hướng đến cảm xúc về những lý tưởng, đến cái chung, đến đất nước. Những “Tình thôi xót xa”, “Trống vắng”, “Kiếp ve sầu” làm mưa làm gió một thời, cho đến cả nhạc nước ngoài vào Việt Nam cũng là những boyband, girlband xinh đẹp, mang nhiều tính nữ, ngọt ngào dễ nghe như thế.

Điều kỳ lạ là từ bấy đến giờ, đã gần 3 thập kỷ, đã có rất nhiều thay đổi trong xã hội, tâm lý, nhận thức của người Việt, nhưng gu âm nhạc nhìn chung vẫn là kiểu nhạc “trữ tình tủi thân” dễ dãi như thế. Nhạc nhẹ của Nguyễn Cường, Trần Tiến, Thanh Tùng cũng chinh phục được khán giả một thời gian không ngắn; những nghệ sĩ có sáng tạo theo hướng đương đại mới mẻ cũng có chỗ đứng của họ. Nhưng nếu so sánh thì những dòng nhạc đó vẫn quá khiêm tốn, quá bé nhỏ so với sở thích âm nhạc chung, phần lớn công chúng Việt vẫn không chịu từ bỏ thói quen nghe những gì đơn giản, dễ dàng, sến sẩm. Điều đó khiến sự sáng tạo của những người làm nghệ thuật không được kích thích.

Và hình như khán giả nói chung, sau thời gian chú tâm đến các vấn đề cơm áo gạo tiền của đời sống, thì lại dễ bị cuốn đi bởi những điều vô bổ, không đâu vào đâu trên mạng xã hội, hơn là quan tâm thực sự đến một đời sống tinh thần đẹp đẽ, đổi mới hơn cho chính mình! Nghệ thuật không “độ” công chúng, hay công chúng không chịu mở lòng, không hướng tới nghệ thuật?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.