Đại dịch Covid-19: Hà Nội ra công điện khẩn trước nguy cơ mất thế trận

GD&TĐ -Từ chiều 25/5, các hàng quán trên địa bàn thành phố Hà Nội buộc phải đóng cửa. Cơ sở ăn uống chỉ được bán hàng cho khách mang về. Tạm thời phong tỏa, cách ly từng điểm.

Công an phường Phúc Xá (Ba Đình) tuyên truyền nhắc nhở chủ cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm Công điện số 11.
Công an phường Phúc Xá (Ba Đình) tuyên truyền nhắc nhở chủ cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm Công điện số 11.

Chấp nhận “thiệt kinh tế” để phòng dịch

Từ 12 giờ ngày 25/5, Hà Nội sẽ tạm dừng hoạt động của cửa hàng cắt tóc, gội đầu… Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ chỉ cho phép bán hàng mang về.

Ghi nhận của PV Báo GD&TĐ, khoảng 11 giờ ngày 25/5, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm ra quân nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh. Trên nhiều tuyến phố, người dân chủ động dọn dẹp hàng quán, đóng cửa.

Chị Trần Bảo Ngọc trú tại 40 Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) bày tỏ, việc tạm dừng hoạt động của nhà hàng, cơ sở kinh doanh (chỉ được bán mang về) trong thời điểm này là rất cần thiết.

Còn chị Lý Điệp - chủ cơ sở nhà hàng trên phố Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng) cho biết, nhà hàng chấp hành quy định của thành phố đóng cửa không đón khách từ sáng 25/5. “Biết là thiệt hại về kinh tế nhưng cần chấp hành chủ trương của thành phố. Mong sớm hết dịch để chúng tôi kinh doanh trở lại...”, chị Lý Điệp nói.

Ngay từ sáng 25/5, lực lượng chức năng trong đó có công an các quận huyện, phường, xã đi tuyên truyền nhắc nhở, yêu cầu các quán ăn, nhà hàng. Tuy nhiên, vẫn có 1 số hộ kinh doanh cố tình “phớt lờ”. Họ chỉ miễn cưỡng thu dọn khi có sự xuất hiện của lực lượng chức năng...

Ông Nguyễn Hải - Phó Chủ tịch phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, lực lượng chức năng phường nhắc nhở dừng hoạt động tất các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, chỉ được bán mang về. “Tạm dừng triệt để hoạt động vui chơi, thể dục thể thao, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng...”, ông Hải nói.

Thiếu tá Phạm Thế Anh - Trưởng Công an phường Phúc Xá (quận Ba Đình) cho biết, ngay từ sáng 25/5 lực lượng chức năng đã kiểm tra, nhắc nhở từng cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống. “Nhìn chung người dân, chủ cơ sở đều chấp hành đóng cửa hàng quán. Tuy còn một số cửa hàng cố tình bán nhưng khi lực lượng chức năng nhắc nhở đã đóng cửa luôn...”, Thiếu tá Anh nói.

Mặc dù là huyện ngoại thành Hà Nội, Thượng tá Trần Quyết Thắng - Trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho biết, đơn vị đã chuyển thông báo, yêu cầu ký cam kết thực hiện Công điện số 11 đến 100% cơ sở kinh doanh, nhà hàng ăn uống.

“Công an huyện chỉ đạo các đội nghiệp vụ, công an xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền phòng dịch Covid-19. Đồng thời, kiểm tra, lập hồ sơ xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm theo quy định phòng dịch bệnh...”, Thượng tá Thắng nhấn mạnh.

Chống dịch khắp các “mặt trận”

Nội dung Công điện số 11/CĐ-UBND về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội. 
Từ 12 giờ ngày 25/5, tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến khi có thông báo mới của thành phố. Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người. Các cửa hàng cắt tóc, gội đầu tạm đóng cửa. Dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng. Tất cả người dân từ các tỉnh, thành phố khác trở về Hà Nội thời điểm từ ngày 10/5 đến ngày 24/5 đều phải khai báo y tế. Đặc biệt, từ ngày 25/5, thực hiện khai báo y tế trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm có mặt tại Hà Nội.

Thông tin với báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, với 2 chùm ca bệnh mới liên quan đến khu đô thị Times City và doanh nghiệp tại số 2 Phạm Sư Mạnh, quan điểm chỉ đạo chung là không để mất “thế trận”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, phải làm tất cả để kiểm soát tình hình, triển khai các biện pháp đồng bộ, toàn diện trên khắp các “mặt trận”. Trong đó, tập trung khoanh vùng, cách ly những “điểm nóng” là nơi có ca nhiễm Covid-19. Đồng thời, bảo vệ, ngăn ngừa dịch xâm nhập những điểm an toàn.

“Thường trực Thành ủy thống nhất giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo ra công điện mới với các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ hơn, trong đó có việc tạm dừng hoạt động và chuyển đổi hình thức hoạt động một số dịch vụ từ trưa 25/5...”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, các cơ quan chức năng nhất là các lực lượng tuyến đầu (y tế, công an, quân đội) đã tập trung thực hiện các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, tăng cường xét nghiệm nhanh, mở rộng diện xét nghiệm với lựa chọn ngẫu nhiên có trọng tâm, trọng điểm.

Trước mắt, thành phố áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly theo từng điểm và chưa tính tới biện pháp cách ly toàn thành phố. Các điểm phong tỏa sẽ áp dụng mô hình cách ly “3 lớp” để vừa khống chế, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đối với sản xuất, kinh doanh.

“Người dân có thể yên tâm vì thành phố đang kiểm soát tốt tình hình. Các biện pháp mạnh hơn chỉ được xem xét khi tình hình phức tạp hơn và phải tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Trung ương...”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, chúng ta phải tạm thời hy sinh những cái trước mắt để bảo đảm đời sống lâu dài của người dân.

Ông Đinh Tiến Dũng kêu gọi: “Cán bộ, Đảng viên, quân và dân Hà Nội trên dưới một lòng, nêu cao ý chí quyết tâm, trách nhiệm nêu gương, tạm gác lợi riêng và phải làm tất cả để kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19. Chỉ có đẩy lùi dịch nguy hiểm này chúng ta mới bảo vệ được sức khoẻ, an toàn của người dân và tiếp tục phát triển”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...