Bí thư Hà Nội: "Chưa tính tới cách ly toàn thành phố"

Lần thứ hai trong vòng một tháng, Bí thư Hà Nội khẳng định trước mắt chưa tính tới việc cách ly toàn thành phố, "các biện pháp mạnh chỉ được xem xét khi tình hình phức tạp hơn".

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Thanh Sơn.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Thanh Sơn.

Trao đổi với báo giới sáng 25/5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói với diễn biến dịch bệnh hiện nay thành phố đã nâng công tác phòng, chống dịch lên mức độ cao hơn, như yêu cầu tạm dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về) từ trưa nay...

Theo ông, trước mắt, thành phố áp dụng phong tỏa, cách ly theo từng điểm và chưa tính tới biện pháp cách ly toàn thành phố. Các điểm phong tỏa sẽ áp dụng mô hình cách ly "3 lớp" để vừa khống chế, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đối với sản xuất, kinh doanh.

"Người dân có thể yên tâm vì thành phố đang kiểm soát tốt tình hình. Các biện pháp mạnh hơn chỉ được xem xét khi tình hình phức tạp hơn và phải tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Trung ương", lãnh đạo Hà Nội nêu rõ.

Biểu dương Thành hội Phật giáo Hà Nội đã hoãn tập trung đông người làm lễ Phật đản và những nghi lễ quan trọng khác, Bí thư Hà Nội nói đây là việc làm rất đáng hoan nghênh, thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội rất cao, là tấm gương cho phật tử, nhân dân. Tuy nhiên, ông cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý vi phạm quy định phòng dịch, như trường hợp để tụ tập đông người tại vườn hoa bãi đá sông Hồng, quận Tây Hồ, vừa qua.

Các cơ quan chức năng rà soát, quản lý khu công nghiệp, khu nhà ở công nhân, bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Các khu đô thị, từng toà nhà chung cư trên địa bàn cũng phải được rà soát; nếu chưa có phải xây dựng ngay phương án để vừa phòng, chống dịch nghiêm ngặt, vừa duy trì hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

Đoàn nhân viên y tế của thành phố Hà Nội lên đường hỗ trợ Bắc Giang phòng, chống dich hôm 16/5. Ảnh: Giang Huy.

Đoàn nhân viên y tế của thành phố Hà Nội lên đường hỗ trợ Bắc Giang phòng, chống dich hôm 16/5. Ảnh: Giang Huy.

Bí thư Thành ủy yêu cầu các cơ quan nhà nước, đơn vị quân đội, công an, các bệnh viện, cơ sở y tế của thành phố phải trở thành những "pháo đài" vững chắc nhất, không chỉ "phòng thủ" chặt, mà phải "tấn công" dịch quyết liệt, hiệu quả.

Ông kêu gọi cán bộ, công chức, người dân thành phố "tạm gác lợi riêng, làm tất cả để kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19".

Tính đến 14h ngày 25/5, Hà Nội ghi nhận 130 ca lây nhiễm cộng đồng. Bên cạnh đó, còn hơn 200 ca bệnh tại hai bệnh viện trung ương trên địa bàn (Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều).

Thành phố đã cơ bản tạm dừng toàn bộ các cơ sở dịch vụ không thiết yếu như phố đi bộ; các dịch vụ bar, karaoke, vũ trường, game, quán ăn, uống đường phố, cà phê, trà đá vỉa hè... để phòng, chống dịch; người dân cũng được kêu gọi hạn chế ra đường khi không có việc cần thiết, không được tụ tập quá 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Theo Vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.