Đại dịch Covid-19: Giải quyết những thách thức trong giáo dục

GD&TĐ - Gần 80% người đi học trên thế giới, tương đương 1,3 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học ở 138 quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Đối với tất cả các quốc gia, việc tránh làm gián đoạn việc học trong chừng mực có thể là ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Gemreportunesco
Đối với tất cả các quốc gia, việc tránh làm gián đoạn việc học trong chừng mực có thể là ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Gemreportunesco

Tuy nhiên, biện pháp này đang đặt ra những thách thức chưa từng có đối với các chính phủ nhằm bảo đảm tính liên tục của việc học.

Bảo đảm duy trì học tập

Đối với tất cả các quốc gia, tránh làm gián đoạn việc học trong chừng mực có thể là ưu tiên hàng đầu. Tất cả các quốc gia được đề cập dưới đây đều mở rộng  phương thức giáo dục từ xa hiện có dựa trên kết hợp công nghệ khác nhau.

Hầu hết đều đang sử dụng Internet, cung cấp các nền tảng trực tuyến để tiếp tục học tập. GV và quản lý trường học được khuyến khích sử dụng các ứng dụng để hỗ trợ giao tiếp với người học và phụ huynh cũng như cung cấp bài học trực tiếp hoặc ghi lại các bài học theo kiểu khóa học trực tuyến mở (MOOC). Nội dung học tập cũng được truyền tải qua TV và các phương tiện truyền thông khác như ở Argentina, Croatia, Trung Quốc, Costa Rica, Pháp,…

Để truyền đạt kế hoạch của chương trình đào tạo từ xa và huy động tất cả bên liên quan, các cơ quan chính phủ đang triển khai chiến dịch nâng cao nhận thức hoặc chiến lược truyền thông về giáo dục từ xa cho tất cả nhóm đối tượng, bao gồm phụ huynh, SV, GV và quản trị viên. Như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã sử dụng tài khoản Twitter chính thức của mình để thường xuyên phổ biến thông tin về học tập trực tuyến.

Công bằng trong việc tiếp cận với học tập dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông là mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia. Ví dụ, Trung Quốc đang cung cấp máy tính và các gói dữ liệu di động cho SV thuộc gia đình có thu nhập thấp. Tại Pháp, những nỗ lực đang được thực hiện để cho 5% người học không có quyền truy cập Internet hoặc máy tính cung cấp các bài tập in.

Để giảm bớt sự gián đoạn, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã tạo ra một đường dây nóng để GV, HS tìm kiếm hỗ trợ kỹ thuật nếu họ gặp bất kỳ khó khăn nào. Ở bang Washington (Mỹ), các trường không được khuyến khích cung cấp dịch vụ học tập trực tuyến trừ khi bảo đảm quyền truy cập công bằng. Ở Bồ Đào Nha, để giải quyết một thực tế là không phải tất cả HS đều có thể truy cập Internet ở nhà, chính phủ đã đề nghị hợp tác với các dịch vụ bưu điện để cung cấp các phiếu làm việc được thực hiện ở nhà. 

Ưu tiên điều chỉnh  lịch học và lịch thi

Các ứng dụng giao tiếp trực tuyến được sử dụng để bảo đảm giao tiếp giữa GV và HS cũng như giữa các HS ở nhiều quốc gia. Ảnh: Brookings
Các ứng dụng giao tiếp trực tuyến được sử dụng để bảo đảm giao tiếp giữa GV và HS cũng như giữa các HS ở nhiều quốc gia.     Ảnh: Brookings

Việc đóng cửa trường học kéo dài đang ảnh hưởng đáng kể đến lịch học ở một số quốc gia, trong một số trường hợp trùng với kỳ thi ĐH. Một số đã lên lịch thi và đánh giá cho tất cả các cấp học, bao gồm cả các trường ĐH, ví dụ như ở  Chile, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản,...

Khi không thể thay đổi ngày thi, các sắp xếp đặc biệt, chẳng hạn như số lượng hạn chế HS có thể tham gia kỳ thi cùng một lúc,  đã được đưa ra để bảo đảm an toàn cho người dự thi (Nhật Bản và Thái Lan).

Lịch học cũng đang được điều chỉnh để phù hợp với những ngày nghỉ học (Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Việt Nam). Trong một số trường hợp ở Mỹ, tất cả các bài kiểm tra của tiểu bang (Florida và Washington) đã bị hủy bỏ cho năm học 2019 - 2020 .

Việc trường đóng cửa cũng ảnh hưởng đến tiến độ đào tạo và cấp bằng cho GV. Trung Quốc đã cung cấp một số khóa đào tạo GV trực tuyến. Nhật Bản có sáng kiến cấp giấy phép tạm thời cho những GV không thể tham gia hết khóa đào tạo. Tại Trung Quốc, các kỳ thi kiểm tra năng lực GV đã bị
hoãn lại. 

Tiếp cận các bữa ăn dinh dưỡng

Nhiều trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, phụ thuộc vào các bữa ăn miễn phí hoặc giảm giá ở trường để có dinh dưỡng lành mạnh. Ở Nhật Bản, các gia đình đang được hoàn lại học phí trong thời gian đóng cửa trường. Argentina và bang Washington (Mỹ) cũng đã thực hiện các biện pháp để tiếp tục chương trình bữa ăn học đường dù đã đóng cửa. Tại Trung Quốc, các biện pháp được thực hiện để bảo đảm tiếp tục cung cấp thực phẩm cho HS ở hoặc bị cách ly tại trường. Cộng đồng tự trị Catalonia (Tây Ban Nha) đang cung cấp bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em thuộc gia đình khó khăn bằng cách phát hành thẻ tín dụng có thể đổi được ở bất kỳ cơ sở thực phẩm thương mại nào.

Giảm sự cô lập xã hội

Trường học là trung tâm của hoạt động xã hội và tương tác giữa con người với nhau. Khi trường học đóng cửa, nhiều trẻ em và thanh thiếu niên bỏ lỡ các giao tiếp xã hội cần thiết cho việc học tập và phát triển. Các ứng dụng giao tiếp trực tuyến (như WhatsApp) được sử dụng để bảo đảm giao tiếp giữa GV và HS cũng như giữa các HS ở nhiều quốc gia. Các lớp học trực tuyến tương tác cũng cung cấp cơ hội giao tiếp xã hội. Ở nhiều quốc gia, chẳng hạn như Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Mỹ, hỗ trợ tâm lý được cung cấp cho những người có nhu cầu, bao gồm đường dây nóng 24 giờ và các cuộc gọi giám sát để tránh cảm giác bị cô lập.

Những diễn biến tiếp theo

Với tình hình đại dịch đang diễn biến phức tạp, các quốc gia đang áp dụng nhiều phương pháp tiếp cận để giảm thiểu tác động đối với việc học.

Do hạn chế kéo dài, trẻ em bị tách biệt khỏi bạn bè và GV, không được tham gia các hoạt động xã hội, bao gồm cả thể thao. Nếu tình hình này tiếp tục, điều quan trọng là phải bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của họ, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho gia đình, GV và người chăm sóc. UNESCO đang tiếp tục thu thập, phân tích và chia sẻ các biện pháp chính sách hữu hiệu đang được thực hiện ở các quốc gia để áp dụng rộng rãi cho giai đoạn đặc biệt này.

Theo UNESCO, sự hợp tác như vậy sẽ hỗ trợ các Quốc gia Thành viên đưa ra những quyết định quan trọng nhằm bảo đảm tính liên tục của việc học tập, được hướng dẫn bởi các nguyên tắc bình đẳng và hòa nhập.

Theo Gemreportunesco

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ