Nhiều lãng phí không thể đo đếm
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội), Đại biểu viện dẫn, việc làm đường, nhất là làm đường ở các thành phố lớn nằm trong nội đô. Ví dụ, mình có thể đo đếm được sắt thép, kinh phí đầu tư bao nhiêu, nhưng không đo đếm được là công ty chậm trễ, đừng nói là vài chục phút mà vài ngày, vài tuần, vài tháng thì có thể hàng vạn người đi, chỉ một người chậm 5 phút, 10 phút buổi sáng các giờ làm việc thì đã vô cùng lãng phí. Đây là điểm không đo đếm được và thực tế lại rất phổ biến ở Việt Nam.
Theo đại biểu, chống lãng phí có thể nói là phạm trù rất rộng, đó là tiền bạc, kinh phí, đất đai, thời gian, cơ hội; đặc biệt là sức lực, trí tuệ, rồi có những việc đó là cách thức tổ chức làm việc, rồi chủ trương, chính sách nữa. Một chủ trương chính sách sai có thể gây lãng phí cực kỳ nhiều, không đo đếm nổi.
“Chống lãng phí phải trước hết là phải thực hành tiết kiệm và biết để đừng làm ra những việc gây ra lãng phí, việc đó tôi nghĩ còn quan trọng hơn. Khi làm như vậy thì hiệu quả tốt hơn rất nhiều. Muốn vậy phải đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về tiết kiệm, chống lãng phí” – đại biểu Nguyễn Anh Trí nói, đồng thời nhấn mạnh: phải coi tiết kiệm lẽ sống, là đạo đức để mà thực hành và quản lý xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) trăn trở, làm sao để việc tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ nằm trong kế hoạch hằng năm và không chỉ được định lượng bằng các chỉ tiêu bắt buộc, mà phải trở thành phẩm chất của mỗi người dân.
“Nếu nhìn rộng ra chúng ta thấy: nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng lối sống của họ rất tiết kiệm; còn ngược lại đối với chúng ta, một quốc gia đang phát triển nhưng nhìn vào lối sống của từng con người tôi thấy chưa tiết kiệm” – đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga thẳng thắn nêu ý kiến.
Không hiểu sai lệch về tiết kiệm
Theo đại biểu, có những dự án triển khai tốn rất nhiều tiền nhưng hiệu quả chưa tương xứng, khi bị chất vấn thì chủ dự án nêu lí lẽ là không dùng tiền ngân sách mà dùng nguồn xã hội hóa.
“Dù nguồn ngân sách hay nguồn xã hội hóa cũng đều là nguồn lực xã hội và chúng ta cần tiết kiệm. Nếu như chúng ta hiểu: chỉ ngân sách mới cần phải tiết kiệm, thì đây cũng là cách hiểu sai lệch. Nếu việc tiết kiệm chưa trở thành phẩm chất của mỗi một công dân, thì tất cả mọi kế hoạch tiết kiệm, chống lãng phí của chúng ta nhiều lúc sẽ mang tính hình thức và chưa đi vào thực chất” – đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Theo đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên), công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; trong đó có lĩnh vực đầu tư xây dựng và đầu tư công. Từ việc một số công trình của chúng ta chậm tiến độ, chậm triển khai thực hiện và hoàn thành dẫn đến lãng phí không nhỏ. Trong đó, lãng phí về mặt tài chính do kéo dài, do tăng giá, trượt giá, tăng vốn…, lãng phí về mặt xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Đại biểu đoàn Hưng Yên đề nghị, Chính phủ cần tập trung vào một số giải pháp: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, về đất đai, làm sao cho đồng bộ và thuận lợi trong quá trình chúng ta triển khai thực hiện.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các khâu, từ giao kế hoạch, thẩm định, quyết định đầu tư v.v.. Nâng cao phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng cơ bản, gắn với việc chúng ta giao quyền với chế độ chịu trách nhiệm.
Đồng thời, chú trọng vào công tác chuẩn bị đầu tư, gắn trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc chuẩn bị đầu tư. “Vừa qua, có những công trình do quá trình chuẩn bị đầu tư của chúng ta không tốt, dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai” - Đại biểu Đào Hồng Vận nói.
Đề cập đến giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà Báo cáo của Chính phủ có nội dung giảm 10% biên chế sự nghiệp; đại biểu Đào Hồng Vận đề nghị: Chính phủ cần nghiên cứu cụ thể từng lĩnh vực, từng địa phương để đề xuất giảm, không nên cào bằng, vì có những lĩnh vực và những địa phương rất khó khăn trong việc giảm 10%. Ví dụ: đối với lĩnh vực sự nghiệp, giáo dục, y tế v.v… Có những địa phương do vấn đề tăng dân số cơ học, nếu giảm 10% biên chế đối với lĩnh vực giáo dục, y tế sẽ khó thực hiện.