Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

GD&TĐ - Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 đã được ban hành tại Quyết định 2544/QĐ-TTg.

Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016 - 2020 là đẩy mạnh THTK, CLP trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; tập trung xây dựng các giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu quả THTK, CLP nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, nâng cao vị thế của nước ta trên trường thế giới.

Xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP 5 năm 2016 - 2020 là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương. Đây là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và tạo cơ sở để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020.

Để đạt được các yêu cầu đó, trong giai đoạn 2016 - 2020 cần tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tiền tệ để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Chống lãng phí trong sử dụng các nguồn lực của đất nước, tài nguyên thiên nhiên, góp phần đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm, phấn đấu đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm.

Quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế. Động viên hợp lý các nguồn lực, phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP bình quân khoảng 20 - 21% GDP. Hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước. Chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.

Triệt để tiết kiệm chi ngân sách, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện; không tăng chi thường xuyên trừ lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương, các khoản đóng góp cho người lao động theo quy định; đảm bảo thực hiện tốt dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội phê chuẩn; kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, phấn đấu đến năm 2020 dưới 4% GDP. Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách phù hợp đáp ứng mục tiêu duy trì đà phục hồi tăng trưởng, quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội trong tình hình mới, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư và chi trả nợ. Các bộ, ngành, địa phương thường xuyên rà soát tổng thể các chế độ, chính sách để bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ các chính sách chưa thực sự cấp thiết.

Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, kiểm soát chặt chẽ, từng bước giảm dần vốn vay do Chính phủ bảo lãnh, vay của chính quyền địa phương và vay của doanh nghiệp nhà nước; nâng cao điều kiện cấp bảo lãnh của Chính phủ, chọn lọc các dự án thực sự cần thiết và cân đối được nguồn trả nợ. Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, đảm bảo nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu đến năm 2020, dư nợ công không vượt quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 55% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Chống lãng phí trong mua sắm tài sản nhà nước thông qua việc đẩy mạnh mua sắm theo phương thức tập trung, áp dụng đối với những loại tài sản có lượng mua sắm nhiều, giá trị mua sắm lớn, được sử dụng phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tập trung huy động các nguồn vốn có cơ cấu lãi suất hiệu quả, chú trọng các nguồn vốn lãi suất thấp, ưu đãi để tạo vốn cho đầu tư phát triển, trọng tâm là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, trong đó, tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị; phấn đấu huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2016 - 2020 khoảng 32% - 34% GDP.

Phấn đấu tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5%/năm

Quyết định nêu rõ, chống lãng phí trong sử dụng nguồn lực lao động, nâng cao chất lượng lao động, tăng hiệu suất, hiệu quả lao động để góp phần đưa tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đến năm 2020 xuống dưới 4%. Phấn đấu tinh giản biên chế hành chính ở mức tối đa trên cơ sở nâng cao hiệu suất, hiệu quả làm việc trong các cơ quan nhà nước; trong 5 năm, phấn đấu tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5%/năm.

Bên cạnh đó, chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trong xử lý ô nhiễm môi trường thông qua việc thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch về sử dụng đất, quy hoạch tài nguyên nước, tài nguyên rừng, quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản đã được phê duyệt góp phần đến năm 2020 đạt tỷ lệ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh là 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn, tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý là 85%; tỷ lệ che phủ rừng là 42%.

Triển khai quyết liệt các quy định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp, giảm mạnh chi ngân sách nhà nước cho khu vực này. Đẩy mạnh việc chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế đặt hàng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật THTK, CLP, Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP và Chương trình THTK, CLP của bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự chuyển biến thực sự trong công tác THTK, CLP.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ làm cơ sở cho THTK, CLP; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm quy định về THTK, CLP; công khai kết quả thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Họa sĩ Ngô Xuân Bính trình bày về tác phẩm chủ đạo trong triển lãm gốm 'Hiện linh'.

Gốm của 'kỳ nhân'

GD&TĐ - Triển lãm gốm nghệ thuật 'Hiện linh' của tác giả Ngô Xuân Bính đã thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.