Đại biểu Quốc hội đồng tình thành lập quỹ phòng thủ dân sự

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thảo luận tại hội trường chiều 24/5 về dự án Luật Phòng thủ dân sự, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với việc thành lập quỹ phòng thủ dân sự.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Chủ động từ sớm, từ xa

Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) bày tỏ đồng tình với phương án 1 được nêu trong dự thảo Luật. Phương án này đảm bảo linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu cấp thiết trong khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, góp phần thể chế hóa Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị.

Theo đại biểu, phòng thủ dân sự phải chủ động từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra chiến tranh thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia nhằm đảo bảo bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng. Đại biểu Lý Thị Lan cho rằng, quy định như vậy, khi xảy ra sự cố thảm họa sẽ không có nguồn lực mà phải chờ thời gian huy động.

Như vậy, việc ứng phó, khắc phục hậu quả đối với sự cố, thảm họa xảy ra không kịp thời, hiệu quả không cao trong khi các sự cố thảm họa chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh là khó dự báo.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.

Cho rằng việc thành lập quỹ phòng thủ dân sự là cần thiết, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH Quảng Bình) đề nghị cân nhắc xem xét bởi hiện nay hầu hết các lĩnh vực, các luật đều có quyết định việc thành lập quỹ, nhưng nguyên tắc hoạt động, mục đích hoạt động, nguồn tài chính và phương thức huy động tài chính không thống nhất.

Vì vậy, Ban soạn thảo cân nhắc nên chăng luật chỉ quy định việc thành lập quỹ còn các quy định khác ban hành văn bản quy định riêng hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung.

Về tổ chức, cá nhân vận động đóng góp tự nguyện, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị, cần cân nhắc xem xét có thể đưa đầu mối để các tổ chức, cá nhân vận động đóng góp tự nguyện về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - nơi được hỗ trợ để đảm bảo hoạt động này được thực hiện nhanh chóng, kịp thời.

Ngoài ra, để nâng cao trách nhiệm của các tổ chức kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn có nguy cơ xảy ra sự cố thảm họa, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào Khoản 2, Điều 38 nghĩa vụ chủ động khắc phục hậu quả và bồi thường chi trả chi phí nếu đưa nếu xảy ra sự cố thảm họa trong quá trình hoạt động sản xuất.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc.

Lưu ý đến công tác quản lý quỹ

Đồng tình với phương án 1, Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc) nhìn nhận, việc huy động Quỹ trong Luật là cơ sở pháp lý cho việc huy động, quản lý, sử dụng kịp thời nguồn kinh phí.

Qua đó, nhằm khắc phục ngay khi thảm họa sự cố xảy ra, tránh tình trạng phải chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ trong trường hợp cấp bách như phương án 2.

Theo đại biểu đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông), nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa đã nói lên sự cần thiết phải chuẩn bị trước các nguồn lực.

Trong đó tài chính là nguồn lực quan trọng để ứng phó kịp thời với những thảm họa, sự cố xảy ra. Đại biểu cũng lưu ý đến công tác quản lý quỹ để đảm bảo hiệu quả và không để thất thoát.

Đại biểu Dương Khắc Mai- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Đại biểu Dương Khắc Mai- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết, hồ sơ đã đưa ra 2 phương án, Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ ngay trước khi xảy ra các vụ việc, sự cố. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội ở cả 3 miền đã tương đối thống nhất, đồng thuận.

Nêu những dẫn chứng cụ thể trong những tình huống cấp bách khi đối phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, nếu không có lực lượng, nguồn lực dự trữ đặc biệt về vốn, sẽ không thể ứng phó kịp, xử lý tốt, giải quyết nhanh các sự cố xảy đến.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc chuẩn bị từ sớm, từ xa để ứng phó sự cố là rất quan trọng, đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ trong vấn đề Quỹ phòng thủ dân sự. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ có cách thức phù hợp để không làm phát sinh biên chế, đảm bảo hoạt động hiệu quả, đúng mục đích.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng cần có các tiêu chí cụ thể để các cấp, các ngành căn cứ vào đó có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa trong ứng phó với các thảm họa, sự cố.

Toàn cảnh phiên thảo luận buổi chiều 24/5.

Toàn cảnh phiên thảo luận buổi chiều 24/5.

Tại Điều Điều 41 dự thảo Luật Phòng thủ dân sự quy định 2 phương án đối với quỹ phòng thủ dân sự.

Phương án 1: Quỹ phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự và ưu tiên các hoạt động sau: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra; Tu sửa nhà ở, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học.

Phương án 2: Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ