Vấn đề Giáo dục và Đào tạo luôn được Đảng đánh giá cao, coi đó là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước. Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đang được lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân khẳng định: Giáo dục và Đào tạo tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả…
Đảng và Nhà nước luôn khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục, để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Các dự thảo văn kiện, báo cáo chính trị được người dân cả nước hết sức quan tâm đóng góp ý kiến, nhất là những vấn đề liên quan đến định hướng xây dựng và phát triển đất nước trong nhiệm kỳ tới, trong đó có nội dung về đổi mới giáo dục, phát triển nguồn nhân lực phục vụ đất nước...
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội:
Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Trung ương cần đặc biệt coi trọng hơn nữa vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Chú trọng học đi đôi với hành, gắn liền lý luận với thực tế. Đẩy mạnh rà soát, quy hoạch, tổ chức lại hệ thống các trường đại học để hình thành các đại học lớn, có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế; hướng đến sắp xếp hoặc giải thể các trường đại học, cao đẳng có chất lượng thấp...
Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, GS Võ Tòng Xuân, Viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa học công nghệ Australia nhận định: Chương trình GDPT mới là nền giáo dục căn bản của mọi công dân Việt Nam. Khi tốt nghiệp trình độ này người công dân có thể tham gia lao động trong xã hội với tri thức và kỹ năng cơ bản về cách sống văn minh bằng ngôn ngữ Việt và một ngoại ngữ phổ biến. Được trang bị nền GDPT này công dân Việt Nam sẽ ngang hàng với công dân các nước tiên tiến.
“Với kỳ vọng này, tôi tin rằng Chương trình GDPT của chúng ta sẽ đạt mục tiêu đề ra. Trong Chương trình GDPT tổng thể, về Kế hoạch giáo dục được đổi mới gần như hoàn toàn, tiếp cận được ngang tầm quốc tế. Nổi bật nhất là bốn môn học (1) Tiếng Việt - Ngữ văn, (2) Ngoại ngữ, (3) Toán, và (4) Giáo dục thể chất được học trong suốt quá trình 12 năm. Chương trình đã đạt mục tiêu đổi mới giáo dục Việt Nam một cách gần cơ bản và toàn diện”, GS Võ Tòng Xuân cho biết.
Về chiến lược phát triển GD&ĐT trong thời gian tới, theo GS Võ Tòng Xuân, cần tập trung các giải pháp: Tập trung đầu tư, đổi mới từ các trường Sư phạm; Tập trung đầu tư, đổi mới chương trình dạy ngoại ngữ không chuyên, chú trọng giao tiếp, cho tất cả sinh viên cao đẳng và đại học; Kiểm định chất lượng đầu ra của các trường; Đưa song ngữ vào các trường mầm non đến hết cấp trung học; Chấn chỉnh quy trình đào tạo sau đại học, bằng thạc sĩ và tiến sĩ…
Còn theo theo đại biểu Thạch Phước Bình, Trung ương cũng cần có chỉ đạo, định hướng công tác dạy nghề phải sát hợp với nhu cầu thực tế xã hội và định hướng phát triển của từng địa phương. Nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo. Hạn chế tình trạng làm việc trái ngành nghề đào tạo, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Theo nhận định của cán bộ quản lý và nhà giáo, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã đáp ứng khá tốt nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện trong điều kiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; có nhiều thành tích nổi bật như giáo dục Mầm non đã đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi, giáo dục phổ thông có nhiều chuyển biến tốt. Đặc biệt, tại các kỳ thi quốc tế trong những năm gần đây, Việt Nam luôn đạt kết quả cao và ổn định, tạo uy tín cho bạn bè thế giới.