Chuyển biến tích cực
Ấn tượng với thành tích của GD-ĐT, đại biểu Bùi Văn Phương – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tâm đắc với những chuyển biến tích cực của giáo dục phổ thông và đại học.
Đại biểu viện dẫn: trong kỳ đánh giá PISA 2018 (công bố vào năm 2019), Việt Nam đạt 543 điểm Khoa học - điểm số cao thứ 4/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, tăng 4 bậc so với năm 2015; 505 điểm đọc hiểu - điểm số cao thứ 13/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, tăng 19 bậc so với năm 2015.
“Kết quả đạt được của Việt Nam đã gây bất ngờ lớn cho cả thế giới; Qua đó khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam sánh ngang với các nước có nền giáo dục tiên tiến” – đại biểu Bùi Văn Phương bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh:
Khảo sát quốc tế Pasec 10 đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp 2 và lớp 5 trong lĩnh vực Toán và tiếng Việt cũng cho thấy, những kết quả đáng ghi nhận đối với học sinh Việt Nam, cả về sự tiến bộ của học sinh trong một năm học, kiến thức và kỹ năng, các yếu tố của chất lượng giáo dục tiểu học và các kết quả khác.
Gần đây nhất đó là, GD-ĐT đã hoàn thành mục tiêu kép khi mà dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát ở Việt Nam, toàn ngành đã thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”.
“Mặc dù dịch Covid -19 ảnh hưởng tiêu cực đến toàn cầu, nhưng học sinh Việt Nam vẫn nỗ lực tham gia các kỳ thi lớn của quốc tế và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Điển hình như: đội tuyển quốc gia môn Hóa học đạt thành tích xuất sắc nhất từ trước đến nay với 4/4 thí sinh đoạt Huy chương Vàng, xếp thứ 2 thế giới, sau đội tuyển quốc gia Hoa Kỳ. Đội tuyển Toán học có 6/6 học sinh dự thi đều đoạt giải; trong đó lần đầu tiên có một học sinh lớp 10 tham dự đội tuyển giành Huy chương Vàng và đứng thứ 4 thế giới” – đại biểu Bùi Văn Phương chia sẻ.
Cũng theo đại biểu đoàn Ninh Bình, một trong những điểm nhấn của GD-ĐT trong 5 năm qua là đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tốt nghiệp THPT; qua đó đã khắc phục tình trạng học tủ, học lệch, luyện thi tràn lan diễn ra trong nhiều năm, thực hiện đúng phương châm “học gì thi nấy”, yêu cầu học sinh phải học toàn diện.
Đồng thời, công tác tổ chức thi gọn nhẹ hơn, thí sinh không phải lên các thành phố lớn dự thi nhiều đợt. Thay vào đó, các em chỉ phải dự thi một lần, ngay tại địa phương; điều này làm giảm áp lực, giảm tốn kém cho gia đình, học sinh và xã hội.
“Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận những gì mà ngành Giáo dục đã và đang làm. Những thành tựu nêu trên, là minh chứng sinh động để khẳng định những chủ trương, quyết sách của ngành Giáo dục đã đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả” – đại biểu Bùi Văn Phương nói.
Tại phiên thảo luận tại hội trường (sáng 29/3) – kỳ họp thứ XI, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu tự hào về thành tựu của GD-ĐT trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua. Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quãng Ngãi) khẳng định, thời gian qua, GD-ĐT của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; không có sự tiến bộ, thành đạt của quốc gia nào mà tách rời giáo dục.
Giáo dục góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, mang lại kiến thức, kỹ năng, giúp nâng cao năng suất của người nghèo. Đất nước không thể phát triển bền vững nếu không phát triển giáo dục đúng mức.
Nỗ lực, cố gắng của toàn ngành
Tại cuộc gặp gỡ 183 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, nhìn lại chặng đường vừa qua của ngành Giáo dục cho thấy, Chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa được triển khai theo đúng lộ trình quy định. Nhiều mô hình giáo dục, nhiều phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Khả năng tự học của học sinh đang từng bước được cải thiện. Kết quả các cuộc thi quốc tế ngày càng cao.
Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện rõ rệt, tự chủ đại học được thúc đẩy, tạo đột phá trong quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển ấn tượng. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày càng được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó, đã ban hành các quy định về chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Đặc biệt, trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã chủ động, kịp thời đề ra phương án phù hợp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp và hình thức dạy học, nhất là dạy học trực tuyến để các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ, “đứt gãy”; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng nền nếp, chất lượng, phù hợp với xu hướng quốc tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, để có được những kết quả này, là nhờ sự cố gắng của toàn ngành, sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong dạy - học của các thế hệ thầy - trò trong cả nước. Trong đó, có những thầy, cô đã hy sinh cả tuổi xuân, hết lòng vì học sinh, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em,… ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo.
Trước không ít khó khăn trên chặng đường đổi mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự chia sẻ với ngành Giáo dục, với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; đồng thời khẳng định, vai trò của giáo dục rất lớn trong hoạt động đời sống xã hội.
“Sự nghiệp giáo dục còn ở phía trước với nhiều vấn đề tiếp tục cần triển khai thực hiện và phải thường xuyên, liên tục đổi mới. Chúng ta đừng thấy bất cập nào đó, một sai sót nào đó chưa được để đánh giá, phủ nhận hết tất cả những vấn đề, công lao của thầy cô giáo, của ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.