Đại biểu Quốc hội: Cần quy định rõ về một số hành vi bạo lực gia đình

GD&TĐ - Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Lý Anh Thư cho rằng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần quy định rõ về một số hành vi bạo lực gia đình.

Đại biểu Lý Anh Thư, đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Quang Khánh.
Đại biểu Lý Anh Thư, đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Quang Khánh.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Lý Anh Thư, đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang bày tỏ tán thành cao với Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Mục đích nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu chỉ ra rằng tại điểm q Khoản 1 Điều 4 có quy định hành vi “có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp; cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ” là một trong những hành vi bạo lực gia đình.

Đại biểu phân tích, trong thực tiễn hiện nay chưa có văn bản nào của pháp luật quy định cụ thể về nghĩa vụ đóng góp tài chính trong gia đình, ai là người đóng góp chính trong gia đình phải đóng góp như thế nào, đóng góp bao nhiêu cho gia đình, gia đình nào phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính, những thành viên trong gia đình phải đóng góp là những ai?

Do đó, khó có căn cứ để xác định việc không đóng góp tài chính là một hành vi bạo lực gia đình. Đại biểu đề nghị nếu quy định về điều khoản này thì cần phải có một cơ chế, các quy định pháp luật bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng thì mới có thể thi hành trên thực tiễn.

Về điều khoản trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình, tại khoản 4, Điều 12 dự thảo Luật quy định, người có hành vi bạo lực gia đình chủ động khắc phục hậu quả đã gây ra cho người bị bạo lực gia đình; bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Quy định này đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại giữa người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần xác định rõ những người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình gồm những ai, nguồn lực tài chính dùng bồi thường thiệt hại này là tài sản chung hay tài sản của riêng?

Về xử lý tin tố giác về bạo lực gia đình, Điều 28 của dự thảo Luật quy định đã quy định quy trình xử lý, xác minh tin báo, tố giác về bạo lực gia đình. Tuy nhiên, quy định này còn nặng về thủ tục hành chính, trong khi hành vi bạo lực gia đình là những hành vi chất có tính chất manh động, người bạo lực thường không kiềm chế được cảm xúc, hành vi, nhiều trường hợp dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Do vậy, đại biểu cho rằng dự thảo Luật đều cần bổ sung thêm quy định, ngay sau khi nhắn tin tố giác về bạo lực gia đình, cơ quan có thẩm quyền cần xử lý ngay. Căn cứ vào tình hình thực tế, mức độ vi phạm, sắp xếp chỗ tránh nạn cho người bị bạo lực, sau đó thì mới tiến hành quy trình xử lý người bị bạo lực theo quy định.

Về biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, đại biểu cho rằng đây là việc cần tiến hành sớm. Tuy nhiên, nội dung này trong dự thảo Luật còn hạn chế, chủ yếu là tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền.

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần chú trọng vào việc nâng cao ý thức cho người dân trong phát hiện, kịp thời ngăn chặn bạo lực gia đình, thay vì chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ như hiện nay thì cần quy định thêm chế tài cho trường hợp biết mà im lặng, không hành động, thực hiện tố giác theo quy định.

Đồng thời cần quy định rõ về cách thức bảo vệ người báo tin tố giác bạo lực gia đình, để họ được an toàn, tránh trường hợp bị trả thù. Qua đó khuyến khích người khác tích cực tham gia vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ