Đường vành đai 4: Dự án "mở toang" kinh tế Vùng Thủ đô

GD&TĐ - Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khi hoàn thành sẽ tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội.

Hướng tuyến đường Vành đai 4 theo quy hoạch.
Hướng tuyến đường Vành đai 4 theo quy hoạch.

Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ…

Cam kết nguồn vốn

Sáng 20/5, HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ năm nhằm xem xét, quyết định chủ trương bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, với mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối đô thị trung tâm với các khu vực ngoại thành, đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố, tăng cường liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển.

Thành phố đã nghiên cứu và triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. UBND thành phố Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh (Hưng Yên, Bắc Ninh) để hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Mới đây (ngày 12/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên thứ 11 đã cho ý kiến về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết đầu tư và thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án tại Kỳ họp thứ 3 sẽ diễn ra từ ngày 23/5 tới.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thành phố Hà Nội khẩn trương bổ sung hồ sơ dự án Nghị quyết của HĐND thành phố về các nội dung tổng số vốn bố trí, tiến độ giải ngân, phân kỳ theo từng năm và cam kết bố trí tăng thêm trong trường hợp phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án.

“Tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét, quyết nghị về chủ trương bố trí, cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…”, ông Tuấn nói.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cũng thông tin, thành phố cam kết bảo đảm nguồn vốn thực hiện theo tiến độ. Kế hoạch vốn bố trí hằng năm sẽ được UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết nghị cụ thể trên cơ sở thủ tục, tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư...

Đồng thời, trong trường hợp tổng mức đầu tư của Dự án thành phần tăng theo quyết định của cấp có thẩm quyền dẫn đến tăng phần nguồn vốn ngân sách địa phương, HĐND thành phố sẽ cân đối bố trí đủ nguồn vốn để triển khai, hoàn thành dự án.

“Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường.

Tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của các tỉnh trong Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Trình Quốc hội xem xét

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km, trong đó qua thành phố Hà Nội 58,2km, tỉnh Hưng Yên 19km, tỉnh Bắc Ninh 25,6km và tuyến nối Quốc lộ 18 dài 9,7km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.

Cụ thể, điểm đầu với khoảng Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội); điểm cuối: Khoảng Km40+500 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Về báo cáo tờ trình dự án, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết, Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án đầu tư nhóm quan trọng quốc gia.

Với dự án, cấp quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội được đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 85.840 tỷ đồng, được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần. Trong đó, nhóm dự án 1 với 3 dự án thành phần thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Nhóm dự án 2 với 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành triển khai trên địa bàn của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Nhóm dự án 3 với 1 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Ông Dương Đức Tuấn cũng thông tin, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án quan trọng quốc gia. Do đó, UBND thành phố báo cáo và đề nghị HĐND thành phố xem xét được dự kiến bố trí từ ngân sách thành phố khoảng 23.524 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 19.477 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 4.047 tỷ đồng.

Cụ thể, dự kiến bố trí vốn và giải ngân các năm trong giai đoạn 2021 - 2025 theo kế hoạch tiến độ triển khai của dự án như sau: Năm 2022, khoảng 100 tỷ đồng; năm 2023, khoảng 8.397 tỷ đồng; năm 2024, khoảng 5.955 tỷ đồng; năm 2025, khoảng 5.025 tỷ đồng.

Trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố và thảo luận tại kỳ họp, 100% đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Kết luận kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND TP khẩn trương phối hợp các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3 sẽ diễn ra từ ngày 23/5 tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.