Đại bác trong quân đội nước Việt xưa

GD&TĐ - Nói đến triều đại nhà Hồ, nhiều người nhớ đến danh tướng Hồ Nguyên Trừng với việc chỉ huy đúc súng “thần cơ” uy lực.

Súng thần công thời Lê trung hưng mới được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Ảnh: Hữu Mạnh.
Súng thần công thời Lê trung hưng mới được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Ảnh: Hữu Mạnh.

Và sau khi ông cùng vua cha bị bắt sang nhà Minh, đã đem phát minh này phổ biến tại đó.

Tuy nhiên, lần ngược từng dòng lịch sử Việt Nam, có thể thấy trước thời nhà Hồ (với niên hiệu Đại Ngu), đại bác đã xuất hiện trong quân đội nhà Trần và lập được chiến công lớn.

Đó là sự kiện diễn ra mùa Xuân năm Canh Ngọ, niên hiệu Quang Thái năm thứ 3 (1390), đời vua Trần Thuận Tông. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” thì đầu năm này, vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga theo tên phản bội là Trần Nguyên Diệu dẫn hơn một trăm thuyền chiến từ biển theo đường sông vào đánh nước ta. Các thuyền giặc chưa tập họp lại, thì có tên tiểu thần của Bồng Nga là Ba Lậu Kê vì bị Chế Bồng Nga trách phạt, sợ bị giết, chạy sang doanh trại quân ta, trỏ vào chiến thuyền sơn xanh bảo rằng đó là thuyền của quốc vương hắn.

Đại tướng Trần Khát Chân liền ra lệnh các cây súng (nguyên văn chữ Hán viết là “hỏa súng”, chỉ loại súng có nòng kim loại và có nhồi thuốc cháy) nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền.

Chế Bồng Nga chết, người trong thuyền ồn ào kêu khóc. Trần Nguyên Diệu bèn cắt lấy đầu Bồng Nga chạy về với quân ta. Đại đội phó Thượng đô quân Long Tiệp là Phạm Nhữ Lặc và đầu ngũ là Dương Ngang liền giết luôn Nguyên Diệu, cướp lấy đầu Bồng Nga. Quân giặc tan vỡ.

Sử sách không cho biết những loạt “hỏa súng” do Trần Khát Chân chỉ huy này có phải do Hồ Nguyên Trừng sáng chế hay không. Trước sự kiện này, trong chiến dịch chống quân Chiêm Thành tấn công Thanh Hóa năm 1382, khi tướng coi quân Thần Khôi là Nguyễn Đa Phương đánh giặc ở cửa Thần Đầu (sau đổi là cửa Thần Phù), sử sách chưa thấy ghi việc quân ta sử dụng súng thần cơ hay “hỏa súng”.

Trước đó, trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2 (năm 1285) và lần 3 (năm 1288), sử nước ta vẫn ghi chép rất nhiều việc quân đội Đại Việt dùng cung tên đánh giặc. Như khi quân giặc thua chạy năm 1285, “Toàn thư” viết: “Lý Hằng đem quân hộ vệ Thoát Hoan chạy về Tư Minh, bị quân ta lấy tên tẩm thuốc độc bắn trúng đầu gối bên trái của Hằng, khiến Hằng chết. Tỳ tướng Lý Quán thu nhặt 5 vạn quân còn lại, giấu Thoát Hoan vào một đồ đồng, chạy trốn về Bắc. Đến Tư Minh, Hưng Vũ Vương đuổi kịp, dùng tên tẩm thuốc độc bắn trúng Lý Quán, Quán chết. Quân Nguyên tan vỡ lớn”.

Dàn súng thần công được phát hiện tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Thúy.

Dàn súng thần công được phát hiện tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Thúy.

Theo suy luận của nhiều nhà nghiên cứu, thì súng thần cơ được Hồ Nguyên Trừng phát minh sau khi nghiên cứu thuốc súng, cải tiến súng thu được từ quân Nguyên, và sau đó là quân Minh. Súng thần cơ thời Hồ là loại súng có đầy đủ các bộ phận cơ bản của loại súng thần công của các triều đại sau này.

Những cuộc khai quật tại thành nhà Hồ (Thanh Hóa) đã tìm được rất nhiều đạn đá hình khối cầu tròn đều, với nhiều kích cỡ khác nhau. Từ các loại đạn này cho thấy, súng thần cơ thời Hồ có thân hình ống tròn, dài đều, nòng trơn, đúc bằng sắt hay đồng; phía sau thân hơi phình to để nạp thuốc súng. Trên thân súng có lỗ nối ngòi nổ với phần thuốc súng để khi sử dụng châm lửa kích thuốc nổ đẩy viên đạn khỏi nòng súng đi xa về phía trước. Ngoài đạn đá, súng thần cơ có thể bắn đạn đất nung có độ cứng cao, khi bắn viên đạn có sức mạnh công phá lớn.

Đạn có nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau chứng tỏ xưa có nhiều loại súng cỡ nòng khác nhau. Súng thần cơ tùy theo kích thước to nhỏ, có thể được gá cố định hay di chuyển trên các bánh xe trang bị sử dụng trong phòng thủ các tòa thành hay di chuyển theo các đội quân trong các trận đánh.

Theo Lê Quý Đôn ghi trong sách “Vân đài loại ngữ”, súng thần công thời Hồ có 3 loại: Súng lớn đặt trên lưng voi; súng nhỡ hai người khiêng, súng nhỏ vác vai. Năm 1407 khi cuộc kháng chiến chống xâm lược giai đoạn cuối, nhà Hồ vẫn “đúc hỏa khí, đóng chiến thuyền để chống giặc”.

Tuy nhiên, dù quân đội nhà Hồ sở hữu súng thần cơ từng khiến quân Chiêm Thành kinh hồn bạt vía, nhưng khi đối đầu với quân Minh, do không được nhân dân ủng hộ, đã gặp thất bại nặng nề. Năm 1407, cả Thượng hoàng nhà Hồ là Hồ Quý Ly, vua Hồ Hán Thương và Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng bị giặc bắt đem về Kim Lăng (Nam Kinh, Trung Quốc). Giặc Minh đã bắt được nhiều súng thần cơ và Hồ Nguyên Trừng bị ép phục vụ việc phát triển hỏa lực của nhà Minh. Trong sách “Vân đài loại ngữ”, Lê Quý Đôn cũng cho biết: “Quân Minh khi làm lễ tế súng đều phải tế Trừng”. Hồ Nguyên Trừng được vua Minh cho làm đến chức Thượng thư bộ Công.

Mặc dù vậy, tư liệu bằng văn bản để lại cho thấy, ở Đại Việt đã biết đến súng đạn từ trước đó khá lâu nữa. Đó là nội dung trên tấm bia “Cố tích thần từ bi ký”, do danh sĩ Trương Hán Siêu soạn, dựng cạnh Đài Kính Thiên ở xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội, phần phụ lục “Lịch đại gia ban” có chép đến việc vua tôi nhà Trần “bắt giữ kẻ trái mệnh tên là Chế Chí, thu hoạch voi ngựa, khí giới, súng đạn”. Theo sử sách, Chế Chí là vua Chiêm Thành bị vua Trần Anh Tông đem quân đánh bại, bắt làm tù binh năm 1311.

Tấm bia này có niên đại năm Hưng Long thứ 20, đời vua Trần Anh Tông, tức năm 1312. Văn bia này cho thấy, có lẽ đây là thời điểm sớm nhất, chữ súng đạn được nhắc đến ở nước ta. Và nếu ở Chiêm Thành lúc đó có “súng đạn”, thì nhiều khả năng ở Đại Việt cũng đã xuất hiện các loại vũ khí này trong quân đội.

Mặc dù vậy, thì phải đến tận năm 1390, với chiến công của những khẩu “hỏa súng” mà Trần Khát Chân lập được tại Hải Triều (Thái Bình ngày nay) tiêu diệt Chế Bồng Nga, mới ghi nhận lần đầu tiên đại bác của quân đội Đại Việt xuất hiện trong lịch sử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ