Đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo cần được điều chỉnh bằng pháp luật phù hợp

GD&TĐ - Nhà giáo là lực lượng đông đảo trong xã hội, mang tính đặc thù nghề nghiệp riêng nên cần được điều chỉnh bằng quy định pháp luật phù hợp.

Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG.
Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG.

Cần thiết ban hành một đạo luật điều chỉnh về nhà giáo

Trao đổi tại Hội thảo tham vấn chuyên môn về xây dựng Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, việc ban hành một đạo luật điều chỉnh về nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết dựa trên một số cơ sở cơ bản như:

Thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; thực trạng đội ngũ và việc quản lý đội ngũ 1,6 triệu nhà giáo đòi hỏi đổi mới quản lý, trên cơ sở một khung pháp lý thống nhất.

Ngoài ra, các quy định pháp luật hiện hành về nhà giáo còn thiếu đồng bộ, toàn diện, một số quy định quan trọng chưa được thể hiện ở tầm luật; đặc trưng lao động sư phạm của nhà giáo đòi hỏi những quy định riêng phù hợp.

Việc ban hành 1 luật riêng về nhà giáo là phù hợp với xu hướng phát triển chung và kế thừa được kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhà giáo. Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật” và "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài".

“Từ những căn cứ trên đây cho thấy việc bổ sung, pháp điển hoá các quy định về nhà giáo trong một đạo luật độc lập là hết sức cần thiết” – ông Vũ Minh Đức nói.

Nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng Luật Nhà giáo, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục viện dẫn 9 nội dung cơ bản, gồm:

Một là, thể chế hóa các chủ trương của Đảng về nhà giáo;

Hai là, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đặt ra đối với nhà giáo;

Ba là, khắc phục được tình trạng tản mạn, thiếu đồng bộ đối với các văn bản pháp lý về nhà giáo (từ hơn 200 văn bản hiện có đưa về 1 Luật);

Bốn là, nghiên cứu, rà soát để cụ thể hóa các chính sách;

Năm là, đánh giá kỹ lưỡng hơn các chính sách đưa vào luật;

Sáu là, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng luật;

Bảy là, đối với chính sách quản lý nhà nước về nhà giáo cần lưu ý đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ;

Tám là, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển đội ngũ;

Chín là, đẩy mạnh truyền thông trong quá trình xây dựng luật để tạo sự đồng tình, ủng hộ của xã hội và nhà giáo đối với các chính sách trong luật.

Một lớp học tại quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình.

Một lớp học tại quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình.

Tạo điều kiện tốt nhất cho nhà giáo phát triển

Xây dựng Luật Nhà giáo là xây dựng luật mới, khó, đối tượng rộng, tác động lớn, có nhiều chính sách quan trọng, cần có chính sách ưu tiên về nguồn lực và tổ chức thực hiện, liên quan đến nhiều luật.

Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT "nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Trong quá trình soạn thảo Luật, cần khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay để thiết kế các chính sách theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương; có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo; có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp; nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, truyền thông chính sách để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành".

Các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện quan điểm, sự quyết tâm của Chính phủ trong thể chế hóa các chủ trương của Đảng về nhà giáo, tháo gỡ các vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và kiến tạo các chính sách mới nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà giáo phát triển.

Nhấn mạnh, quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức cho hay, tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục".

Điều chỉnh một số vấn đề cơ bản, mang tính chất đặc thù của nhà giáo mà các luật hiện hành chưa có quy định hoặc không phù hợp, hoặc còn mờ nhạt, thiếu cơ sở để thực hiện nhằm tạo khuôn khổ pháp lý, giúp bảo đảm chất lượng nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Luật Nhà giáo sẽ quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của giáo viên,

Trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Ngoài ra, việc xây dựng Luật Nhà giáo cũng phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa, xã hội hóa; đồng thời đảm bảo xây dựng theo hướng cụ thể, chi tiết, hạn chế tối đa việc phải ban hành các văn bản hướng dẫn để Luật có thể nhanh chóng, dễ dàng đi vào cuộc sống.

Về tiến độ triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật điều chỉnh về nhà giáo để Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật giai đoạn từ năm 2022-2025.

Ngày 12/12/2023, Tổng Thư ký Quốc hội có Thông báo số 3206/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024.

Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất ngày 1/3/2024 để xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024.

Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, thì tiến độ trình Quốc hội xem xét dự án Luật Nhà giáo tại kỳ họp thứ VIII của Quốc hội khóa XV (dự kiến tháng 10/2024), trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ IX của Quốc hội khóa XV (dự kiến tháng 5/2025). Thời gian Luật có hiệu lực: từ ngày 1/1/2027.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.