Cải cách tiền lương:

Đặc biệt quan tâm đến lương và phụ cấp cho giáo viên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuyên gia nhận định, điều chỉnh mức lương cơ sở ở thời điểm này là rất hợp lý. 

Vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học cần được đặc biệt quan tâm. Ảnh: Hồng Đức.
Vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học cần được đặc biệt quan tâm. Ảnh: Hồng Đức.

Lao động “nhảy việc” từ công sang tư vì thiếu chính sách ưu đãi

Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, cho rằng, để vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay và hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược về xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia tự cường, phát triển và thịnh vượng vào năm 2045 thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Đầu tư cho con người chính là đầu tư cho phát triển.

Trước thực trạng vừa qua, đã có gần 40 nghìn công chức, viên chức nghỉ việc, bỏ việc, dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư. Đây là điều hết sức bình thường theo quy luật kinh tế thị trường và quy luật giá trị. Nhưng đây lại là một điều bất thường khi nó xảy ra trong một thời gian ngắn, tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 6/2022.

Ông Tuấn cho rằng, chính sự bất thường này đã làm cho chúng ta vừa mừng vừa lo. Mừng vì khu vực tư đang tăng trưởng tốt sẽ góp phần thúc đẩy phát triển đất nước nhanh hơn. Nhưng rất lo vì đây là hồi chuông cảnh báo về chủ trương, chính sách đầu tư cho con người ở khu vực công không còn đủ sức hấp dẫn để giữ chân người lao động.

“Trong số đó có cả những tinh hoa ở các lĩnh vực chuyên ngành, nhất là ngành Y khoa họ phải rời đi. Do vậy, nếu không kịp thời quan tâm, cải thiện thì sự chuyển dịch này sẽ ngày càng nhiều hơn”, ông Trần Quốc Tuấn nêu.

Ông Tuấn lý giải, khu vực công sẽ không còn là khu vực giữ vai trò chủ đạo, định hướng, dẫn dắt, quản trị và phát triển xã hội bằng những cơ chế, chính sách. Khu vực công cũng sẽ không còn đủ sức để đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho khu vực tư trong quá trình phát triển. Như thế chắc chắn rằng sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khó lường cho đất nước trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nguồn lực và là động lực để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững. Chính sách tiền lương cũng là chính sách tạo cho người lao động nói chung, đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức nói riêng đảm bảo để có thể thực hiện tốt được nhiệm vụ.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, điều chỉnh mức lương cơ sở ở thời điểm này là rất hợp lý. Mục đích tạo ra động lực mới cho cán bộ, công chức, viên chức cũng giảm bớt hiện trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng bày tỏ băn khoăn về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc thời gian qua, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực y tế và giáo dục. Trong đó, số lượng công chức, viên chức chủ yếu rơi vào 6 tháng cuối năm của năm 2021 và đặc biệt là 6 tháng đầu năm của năm 2022.

Đặc biệt quan tâm vấn đề lương và phụ cấp cho giáo viên

Mới đây, Quốc hội yêu cầu, trong năm 2023 trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.

Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế. Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Trong đó, đối với lĩnh vực nội vụ, Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Quốc hội cũng lưu ý, khẩn trương tham mưu thể chế hóa, thực hiện Kết luận số 14/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Trong năm 2023, Chính phủ trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27/2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.

Đến năm 2026, giảm ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Bên cạnh đó, khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng, bảo đảm bố trí biên chế phù hợp với từng loại hình, mô hình tổ chức bộ máy và từng địa bàn.

Quốc hội cũng yêu cầu có giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc. Đồng thời, tiếp tục rà soát cắt giảm tối đa các chứng chỉ không gắn với tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu của vị trí việc làm.

Ngoài ra, Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng công chức. Năm 2023, hoàn thành Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng lưu ý khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. Trong đó xác định rõ số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập…

Cùng với đó, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức. Định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc điểm vùng, miền, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế.

Chính phủ khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học. Hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thắng cử dễ, cầm quyền khó

GD&TĐ - Những nghi lễ nhậm chức trang trọng không còn lạ lẫm với ông Vladimir Putin khi chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 5 ở nước Nga.